COVID-19: Phân tích người dùng trước, trong và sau giãn cách xã hội
COVID-19 là chủ đề thảo luận nóng nhất trên mạng xã hội trong nửa đầu năm 2020. Riêng tháng 3 - tháng cao điểm của dịch bệnh, trung bình mỗi ngày có gần 2 triệu lượt thảo luận về COVID-19. Trong suốt diễn biến của dịch bệnh từ lúc bắt đầu - bùng phát - giãn cách xã hội - giảm dần, COVID-19 đã tạo ra nhiều biến đổi thú vị trong mối quan tâm và hành vi người dùng mạng xã hội. Trong báo cáo này, hãy cùng Buzzmetrics điểm lại các cột mốc và sự biến chuyển của người dùng qua các giai đoạn:
COVID-19 là chủ đề thảo luận nóng nhất trên mạng xã hội trong nửa đầu năm 2020. Riêng tháng 3 - tháng cao điểm của dịch bệnh, trung bình mỗi ngày có gần 2 triệu lượt thảo luận về COVID-19. Trong suốt diễn biến của dịch bệnh từ lúc bắt đầu - bùng phát - giãn cách xã hội - giảm dần, COVID-19 đã tạo ra nhiều biến đổi thú vị trong mối quan tâm và hành vi người dùng mạng xã hội. Trong báo cáo này, hãy cùng Buzzmetrics điểm lại các cột mốc và sự biến chuyển của người dùng qua các giai đoạn:
- Giai đoạn 1: COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam
- Giai đoạn 2: COVID-19 quay trở lại Việt Nam
- Giai đoạn 3: Social Distancing
- Giai đoạn 4: Hậu Social Distancing
Ở mỗi giai đoạn, Buzzmetrics sẽ tập trung phân tích đặc điểm thảo luận của người dùng, từ đó tìm hiểu:
- Mối quan tâm của họ ở thời điểm đó là gì?
- Hành vi của họ thay đổi so với trước đây như thế nào?
- Sự thay đổi đó sẽ ảnh hưởng tới những ngành hàng nào?
COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam - Người dùng thay đổi lối sinh hoạt
Vào đầu tháng 1, người dùng đã nhắc đến COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lúc này chỉ mới dừng lại ở mức độ được nhận biết bởi một bộ phận người dùng. Vào khoảng cuối tháng 1, 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở Việt Nam. Thảo luận bắt đầu trở nên sôi nổi hơn, xoay quanh các chủ đề: (1) Cập nhập thông tin về dịch bệnh (2) Các cách phòng bệnh (3) Thái độ người dùng về dịch bệnh. Tình hình trong nước được chia sẻ thường xuyên, vì COVID-19 có thể tác động tới sinh hoạt người dùng, mà cụ thể vào thời điểm đó là lịch đi học lại. Các tin đồn về nguồn gốc dịch bệnh cũng được người dùng quan tâm theo dõi, và chính các tin đồn này đã tạo nên nỗi hoang mang về tin giả, bên cạnh nỗi hoang mang về dịch bệnh.
Qua góc nhìn Social Listening, người dùng bắt đầu cho thấy sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt hằng ngày để phòng bệnh. Ngay từ khi COVID-19 vừa có mặt ở Việt Nam, các bác sĩ đã chủ động đưa ra các lời khuyên phòng bệnh và kêu gọi mọi người đừng hoang mang với tin giả. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 1, các khuyến cáo phòng bệnh COVID-19 của bác sĩ Trương Hữu Khanh (bệnh viện Nhi Đồng 1) đã được nhiều trang cộng đồng chia sẻ.Xem thêm các gương mặt bác sĩ uy tín trong đợt dịch COVID-19 tại SocialLift.Sự tham gia tích cực của các bác sĩ đã góp phần hình thành quan điểm phòng bệnh của người dùng: Không có một giải pháp đơn lẻ nào giúp chống COVID-19 hiệu quả. Thay vào đó, cần điều chỉnh toàn diện lối sinh hoạt thường ngày, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang cho tới rửa tay thường xuyên. Bùng nổ nhu cầu khẩu trang cũng làm mạng xã hội xôn xao về vấn đề: tăng giá khẩu trang, khan hiếm khẩu trang, các loại khẩu trang phòng bệnh, cách đeo khẩu trang đúng. Điều này làm "Khẩu trang" trở thành từ khóa nóng trên mạng xã hộiNgoài khẩu trang, người dùng còn nhắc nhiều tới thực phẩm chức năng, đặc biệt là viên uống bổ sung vitamin, cùng với các mặt hàng khác như xịt chống khuẩn và nước súc miệng. Đồng thời, người dùng bày tỏ mối quan tâm đến các dịch vụ như du lịch, hàng không, khách sạn và nhà hàng, vì nếu COVID-19 lan rộng, nhiều khả năng họ sẽ không được sử dụng những dịch vụ này.
COVID-19 quay trở lại Việt Nam - Người dùng thể hiện ý thức cộng đồng
Vào ngày 26/2, bệnh nhân cuối cùng của giai đoạn 1 đã xuất viện. Xu hướng thảo luận về đại dịch COVID-19 có chiều hướng giảm dần. Mối quan tâm của người dùng chuyển từ phòng bệnh sang vấn đề "Thời điểm học sinh sinh viên đi học lại". Tuy nhiên, chỉ trong 1 ngày duy nhất là ngày 7/3, lượng thảo luận đã tăng vọt lên 12 triệu. Từ đây, giai đoạn 2 bắt đầu với sự xuất hiện của những ca nhiễm cộng đồng.Khi mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh thay đổi, chủ đề thảo luận của người dùng cũng thay đổi. Trước đó, chống dịch là thay đổi lối sống bản thân, từ việc ăn uống sạch cho đến rửa tay, đeo khẩu trang cá nhân. Bây giờ, chống dịch là chung tay ủng hộ nhà nước qua các hình thức: nhắn tin ủng hộ chính phủ, phổ biến thông tin chính thống, tham gia khai báo y tế.
Có thể thấy, đây là giai đoạn mà ý thức cộng đồng của người dùng đang rất mạnh. Mỗi người đang nỗ lực tạo ra các đóng góp cho xã hội, dù ít hay nhiều. Cũng trong thời điểm này, có tới hơn 250 thương hiệu đã chung tay chống dịch và được người dùng ghi nhận. Đáng kể có chiến dịch Bảo vệ bác sĩ 24h của VitaDairy đứng đầu bảng xếp hạng BSI Top 10 03/2020. Trước đó vào tháng 2, vị trí này thuộc về chiến dịch Bánh mì thanh long của ABC Bakery - một chiến dịch nhằm giải cứu nông sản Việt Nam.Xem thêm các hoạt động CSR mùa COVID-19 của các thương hiệu tại đây.
Social Distancing - Người dùng tận hưởng cuộc sống ở nhà
Đầu tháng 4, chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu người dùng không ra đường khi không cần thiết và tạm dừng hoạt động của các dịch vụ không thiết yếu. Cho đến giai đoạn này, tin giả không còn là nỗi lo nữa. Chính phủ đã có kênh thông tin chính thức và người dùng có sự cân nhắc khi chia sẻ thông tin. Các biện pháp phòng dịch cũng được chính phủ thường xuyên phổ biến. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu chuyển sang chế độ làm việc từ xa, cho phép nhân viên không phải đến công ty. Với hoàn cảnh như trên, hầu như các chủ đề thảo luận của người dùng đều xoay quanh cuộc sống ở nhà.
Có tới 70% người dùng bày tỏ sự hào hứng dù sinh hoạt cá nhân và công việc đang bị trộn lẫn với nhau. Họ cho rằng, làm việc ở nhà đem tới sự thoải mái về giờ giấc, và tranh thủ tận dụng khoảng thời gian này để làm những điều bình thường hiếm có cơ hội. Đó là chơi đùa với con cái và thú cưng nhiều hơn, chăm sóc cây hoa, tập thể dục hay dọn dẹp nhà cửa.
Nếu người dùng có thể hiện nỗi lo nào, nỗi lo đó không hẳn về công việc. 13% người dùng sợ rằng ở nhà sẽ cô đơn và có tới 26% người dùng sợ rằng ở nhà sẽ tăng cân. Lý do là vì: Người dùng thường ăn rất nhiều trong quá trình làm việc, để cải thiện tâm trạng và đối phó với stress. Nhắc đến ăn uống, báo cáo của Buzzmetrics cho thấy nấu ăn tại nhà có xu hướng tăng lên trong giai đoạn giãn cách. Người dùng cảm thấy họ đã tìm được niềm vui nơi góc bếp và trở nên gắn bó với gia đình hơn qua các bữa ăn. Chính điều này đã dẫn đến sự bùng nổ trào lưu "Yêu Bếp" và sự phát triển một số hội nhóm trên mạng xã hội, bao gồm: “Yêu Bếp”, “Nghiện Nhà”, “Ở Nhà Vui Thấy Bà". Những thú vui này góp phần tạo nên trạng thái tích cực của người dùng trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và người dùng bị ảnh hưởng nhiều đến cả công việc lẫn thói quen sinh hoạt bình thường.Tham khảo thêm về chủ đề Work From Home tại đây.
Người dùng cũng tranh thủ mùa giãn cách để học thêm những cái mới. Ngoài nấu ăn đã nhắc đến ở trên, người dùng còn tập tành trang trí nhà cửa. Họ coi đây là 1 cách để chăm sóc bản thân, cải thiện tâm trạng và tạo động lực (mood) làm việc tại nhà. Cha mẹ thì hướng dẫn con nhỏ sắp xếp & dọn dẹp nhà cửa để rèn tính tự lậpGiãn cách xã hội làm đường phố vắng vẻ và cuộc sống chậm hơn. Các thảo luận mạng xã hội cho thấy, người dùng nhìn nhận khoảng thời gian giãn cách là một cơ hội đặc biệt, giúp họ có thời gian sống chậm: chăm sóc bản thân & suy nghĩ về cuộc sống. Vì thế, thay vì quá lo lắng, họ cố gắng tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian này.Điều thú vị là một số người dùng nói rằng: Giãn cách xã hội giúp họ phòng ngừa COVID-19 nhưng lại làm họ nhiễm "virus" Tiktok. Người dùng bắt đầu sử dụng TikTok để giải trí tại nhà. TikTok trở thành nơi ra đời của các trào lưu giãn cách, tiêu biểu như #pillowchallenge (thử thách "Lấy gối làm váy") hay #onhavanvui (chiến dịch khuyến khích người dùng ở nhà do TikTok và UNICEF phối hợp). Theo thống kê của Sensor Tower, Tiktok đã trở thành ứng dụng có lượt về tải về cao nhất của quý 1/2020 với hơn 315 triệu lượt tải về. Không chỉ là nơi giới trẻ tìm đến lúc nhàn rỗi, TikTok còn trở thành kênh tuyên truyền chống dịch, mà cụ thể là trào lưu vũ điệu rửa tay #handwashingdance do người nổi tiếng phát động.
Hậu Social Distancing - Người dùng đã sẵn sàng trở lại
Nghiên cứu của Ipsos thực hiện trên 29,000 mẫu ở 15 quốc gia cho thấy: Đến 80% người dùng Việt Nam tin rằng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau dịch. Theo quan sát của Buzzmetrics, từ khóa "hết dịch" đã được người dùng nhắc đến ngay khi còn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Khi nhắc đến "hết dịch", chủ đề thảo luận phổ biến nhất của người dùng là lên kế hoạch cho các hoạt động sau dịch. Một bộ phận người dùng khác bày tỏ lo lắng về những nguy cơ sẽ xuất hiện sau dịch, hoặc đơn giản là cầu nguyện cho dịch bệnh qua mau.
Các dự định của người dùng hậu giãn cách xã hội?
Thư giãn & Kết nối sẽ là 2 ưu tiên hàng đầu của người dùng, nhưng với từng nhóm đối tượng sẽ có góc nhìn nhận khác nhau. Với những người độc thân, họ đã lên sẵn kế hoạch ăn uống gặp gỡ bạn bè và đặc biệt là du lịch. Trong thời gian giãn cách xã hội, họ thường xuyên chia sẻ những kỉ niệm du lịch cũ, hoặc tag bạn bè vào các bài viết về du lịch, kèm theo những câu than thở thể hiện mong muốn được đi du lịch như "không biết khi nào mới được đi", "nhớ nơi này quá". Trong khi đó, kế hoạch của nhóm có gia đình chủ yếu là về thăm nhà. Họ thể hiện ý định dắt con về quê thăm ông bà sau một thời gian hạn chế ra ngoài. Bên cạnh đó, một bộ phận ông bố bà mẹ đi làm xa, không được về thăm con do lệnh hạn chế di chuyển nên họ mong hết dịch để về thăm con cái. Nhóm có gia đình cũng có dự định đi chơi, nhưng họ chỉ thể hiện ý muốn đi nói chung chứ chưa vạch ra một kế hoạch cụ thể nào. Với những người dùng thuộc nhóm này, đi chơi trước hết là cơ hội để con cái được ra ngoài đường, bù đắp cho khoảng thời gian dài bị nhốt ở nhà chứ không hắn xuất phát từ nhu cầu của bố mẹ.
Một bộ phận người dùng cảm thấy ngán ngẩm với các món ăn tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Họ nhớ món ăn ở quán yêu thích, muốn tận hưởng bầu không khí đông vui và thực đơn đa dạng của các quán ăn. Họ mong chờ nới lỏng giãn cách xã hội để được tổ chức các cuộc gặp gỡ bạn bè và gia đình.Những thảo luận này cho thấy người dùng đã bắt đầu chuẩn bị cho sự trở lại từ ngay trong mùa giãn cách xã hội. Đặc biệt, báo chí phản ánh hiện tượng một lượng lớn du khách đổ về các địa điểm du lịch vào ngày 30/4 1/5, hình ảnh người dùng check in rầm rộ tại các cửa hàng ăn uống cho thấy: Người dùng đã sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường thay vì vẫn quá lo ngại về dịch bệnh.
Tạm kết
Ở một số nơi trên thế giới (Hàn Quốc và Trung Quốc), dịch bệnh đang cho thấy dấu hiệu trở lại. Do đó, dựa trên cách người dùng phản ứng và bài học kinh nghiệm từ đợt bùng phát tháng 3, các thương hiệu cần phải chuẩn bị phương án dự phòng cho bất cứ tình huống nào. Nhưng trước mắt, tình hình COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Các thảo luận mạng xã hội cho thấy người dùng đã quay lại với cuộc sống bình thường. Một số hoạt động trong mùa giãn cách vẫn sẽ được duy trì, như đeo khẩu trang, tập thể dục hay nấu ăn tại nhà. Phân tích của Buzzmetrics cho thấy: Gần 50% mẫu khảo sát về chủ đề nấu ăn tại nhà cho biết họ đã tìm thấy niềm vui nơi góc bếp và sẽ tiếp tục vào bếp hậu giãn cách xã hội. Đáng chú ý, với tâm lý muốn bù đắp cho những ngày phải ở nhà, nhu cầu sử dụng các dịch vụ giải trí của người dùng là khá cao, đặc biệt là du lịch. Nhìn chung, sự xuất hiện của các hoạt động mới trong mùa giãn cách và sự trở lại của các hoạt động cũ trước giãn cách xã hội sẽ góp phần tạo nên trạng thái "bình-thường-mới" của người dùng. Đây là tín hiệu trở lại cho các ngành hàng đã và đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hãy tạm thời ngừng nhắc về COVID-19, và hòa vào nhịp sống “bình-thường-mới” bằng những thông điệp lạc quan, tươi sáng.
Thông tin bài viết