Bảng Xếp Hạng các chiến dịch cộng đồng nổi bật đầu 2025 và cách truyền thông chạm tới cảm xúc người Việt

Buzzmetrics điểm lại 8 chiến dịch CSR nổi bật đầu 2025 và 3 xu hướng truyền thông cộng đồng giúp thương hiệu kết nối sâu với người tiêu dùng.
1. Toàn cảnh chiến dịch cộng đồng từ đầu đến tháng 5/2025: Đa dạng chủ đề và cách thức thể hiện
Trong 5 tháng đầu năm 2025, thị trường ghi nhận làn sóng chiến dịch cộng đồng sôi động trải dài từ Tết Nguyên Đán đến Tháng hành động vì Trẻ em. Các chiến dịch không chỉ đến từ những ngành vốn quen thuộc như bảo hiểm, thực phẩm, thiết bị gia dụng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như bán lẻ, sữa trẻ em và dược phẩm.
Các chiến dịch này không chỉ khác biệt về ngành hàng mà còn thể hiện sự đa dạng trong thông điệp: từ lối sống xanh, giáo dục cảm xúc, chăm sóc sức khỏe cho đến kết nối cộng đồng. Đáng chú ý, nhiều thương hiệu đã chuyển hướng từ việc “thể hiện trách nhiệm” sang tạo ra những hành động cụ thể, mang tính cảm xúc, phù hợp với bối cảnh xã hội – cho thấy một bước tiến trong tư duy làm CSR tại Việt Nam.
Nhận thấy đặc điểm lan tỏa kéo dài theo thời gian của các chiến dịch cộng đồng Buzzmetrics đã xếp hạng Top 8 chiến dịch cộng đồng nổi bật từ 01/01 đến 31/05/2025, dựa trên lượng thảo luận cao nhất của chiến dịch đó đạt được theo từng tháng – phản ánh mức độ bùng nổ và sức ảnh hưởng tại thời điểm chiến dịch đạt đỉnh.

2. Ba xu hướng CSR nổi bật từ nghiên cứu các chiến dịch tiêu biểu
Phân tích 8 chiến dịch được quan tâm nhất này, chúng ta có thể thấy 3 nhóm hoạt động CSR chính:
- Hành vi sống xanh – Hành động bền vững
Lối sống bền vững tiếp tục là tâm điểm trong các chiến dịch CSR đầu 2025. Manulife với chiến dịch “Sống Sạch Sành Xanh, Sống Khỏe Mỗi Ngày” dẫn đầu về lượng thảo luận (117.710), nhờ chuỗi hoạt động online khuyến khích người dùng thay đổi thói quen sống tích cực – được duy trì xuyên suốt từ nửa cuối năm 2024.
Panasonic tiếp cận nhóm người trẻ qua chiến dịch “Thủ Lĩnh Sống Xanh”, kêu gọi sáng kiến tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Việc kết hợp gameshow truyền hình và nội dung tương tác trên mạng xã hội giúp chiến dịch đạt Audience cao nhất bảng (17.671). Cách tiếp cận đa điểm chạm, nhất quán về thông điệp, đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rõ rệt trong nhóm người dùng trẻ.
- Câu chuyện xúc động – giàu tính cá nhân
Một số chiến dịch CSR đầu năm 2025 chọn cách chạm đến cảm xúc người dùng thông qua các câu chuyện cá nhân hóa – đặc biệt hướng đến phụ nữ và trẻ em.
Chiến dịch “Giấc Mơ Lọ Lem” của PNJ là một ví dụ điển hình. Với mục tiêu khơi dậy sự tự tin và nhận thức về vẻ đẹp bên trong ở các bé gái, chiến dịch kết hợp cùng hoa hậu H’Hen Niê – người có hành trình vượt khó truyền cảm hứng – để tạo chiều sâu cho thông điệp. Dù không đạt mức độ thảo luận bùng nổ, chiến dịch vẫn xây dựng được sợi dây kết nối mạnh mẽ giữa thương hiệu, sản phẩm và nhóm cộng đồng được hỗ trợ.

Tương tự, chiến dịch “Góp trọn tiếng cười” của Con Bò Cười (tổ chức lần thứ 3) tập trung mang lại trải nghiệm tích cực cho trẻ nhỏ qua chuỗi hoạt động giáo dục cảm xúc. Hình thức “mua sản phẩm – đóng góp hỗ trợ trẻ em hở hàm ếch” tạo được thiện cảm, đặc biệt khi kết hợp với các KOL là phụ huynh có con nhỏ – giúp chiến dịch lan tỏa phù hợp với ngữ cảnh gia đình và nuôi dạy trẻ.
Hai chiến dịch này cho thấy: câu chuyện nhân văn, khi được kể đúng cách và gắn với đúng đối tượng, vẫn đủ sức tạo ảnh hưởng dài hạn dù không cần hiệu ứng viral tức thời.

- Kết nối sâu với cộng đồng
Khác với các chiến dịch truyền thông quy mô lớn, một số thương hiệu lại chọn cách tạo ảnh hưởng thông qua chuỗi hành động thực tế tại địa phương. Tiêu biểu là chiến dịch “Hành Trình Hạnh Phúc” của Saigon Co.op, triển khai trong tháng 5 – ghi nhận Audience cao nhất kể từ tháng 3 (14.424).
Chiến dịch tập trung vào các hoạt động như kết nối văn hoá khắp các miền tại Việt Nam, tặng quà thiết yếu cho người dân tại điạ phương và thông qua chương trình đã hỗ trợ xây dựng trung tâm chăm sóc thương binh tỉnh Nghệ An. Thay vì truyền thông trên diện rộng, Saigon Co.op tận dụng hệ thống cửa hàng, fanpage khu vực và sự tham gia trực tiếp của khách hàng và người dân địa phương khắp mọi miền đất nước – từ đó tạo dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện và gắn bó với cộng đồng.

3. Mức độ lan tỏa và chiều sâu cảm xúc
Từ dữ liệu thảo luận, có thể nhận thấy điểm chung ở các chiến dịch cộng đông hiệu quả là khả năng “làm đúng – vào lúc đúng” – đúng thời điểm xã hội, đúng ngữ cảnh và đúng kênh tiếp cận người dùng.
Các chiến dịch như Manulife, Panasonic và Saigon Co.op đã vượt khỏi khuôn khổ một chiến dịch cộng đồng truyền thống để trở thành một phần trong hành trình thương hiệu – được triển khai nhất quán và có chiều sâu. Đặc biệt, trường hợp của Saigon Co.op cho thấy: dù không dẫn đầu về lượng thảo luận, chiến dịch vẫn đạt hiệu quả cao nhờ mức độ gắn kết và kết nối thực tế với cộng đồng địa phương.
Xu hướng mới đang hình thành: CSR không chỉ để nâng cao nhận diện, mà dần trở thành công cụ tạo gắn kết dài hạn giữa thương hiệu và xã hội – khi được xây dựng từ nền tảng hiểu người dùng và cam kết bền vững.
4. Kết luận
Một chiến dịch CSR - Cộng đồng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cần được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu xã hội, khả năng kể chuyện chân thành và hành động cụ thể. Từ thúc đẩy hành vi sống xanh, khơi gợi cảm xúc cá nhân, đến đồng hành cùng cộng đồng – thương hiệu nào hòa quyện được những yếu tố này sẽ chiếm được sự tin tưởng lâu dài của người tiêu dùng.
Buzzmetrics đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đo lường, đánh giá và hoạch định chiến lược CSR bằng dữ liệu mạng xã hội – từ cảm xúc người dùng, quy mô lan tỏa đến mức độ kết nối thực tế với cộng đồng. Liên hệ với đội ngũ chúng tôi để bắt đầu hành trình CSR tạo ảnh hưởng thật – ngay hôm nay.
Thông tin bài viết

