Work From Home - Thái độ của người tiêu dùng và cơ hội cho thương hiệu
Đừng nghĩ rằng, Work From Home giữa mùa dịch chỉ là câu chuyện về sự tập trung và năng suất làm việc. Work From Home với người dùng còn là câu chuyện đi tìm sự cảm hứng trong cuộc sống thông qua các hoạt động thư giãn.
Work From Home sẽ gợi nhắc bạn điều gì? Tiếng trẻ con quấy khóc, tiếng hàng xóm mở karaoke, mạng chập chờn khiến bạn không thể nào tập trung vào những gì đang hiện ra trên màn hình máy tính? Điều đó cũng hợp lý, nhưng năng suất làm việc và khả năng tập trung chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh Work From Home mùa dịch. Những con số của Buzzmetrics sẽ cho thấy một cuộc sống Work From Home (Viết tắt: WFH) rất khác của người dùng – nhộn nhịp hơn và bớt ảm đạm hơn.
1. Work From Home - Xu thế chung thời Covid
Trước tháng 03/2020, Work From Home chủ yếu xuất hiện qua 2 hình thức sau: (1) các thông báo tuyển dụng làm việc tại nhà và (2) thảo luận của bố mẹ phải WFH để trông con nghỉ học vì dịch. Tuy nhiên, khi càng nhiều các ca bệnh Corona được công bố, càng nhiều công ty chuyển sang WFH, thì chủ đề thảo luận này mới thực sự bùng nổ trên mạng xã hội. Lượng thảo luận về chủ đề này tăng dần từ đầu tháng 03/2020. Đến ngày 31/3, khi chính phủ yêu cầu Giãn cách xã hội, lượng thảo luận về WFH tăng 380% - tạo ra 120k buzz chỉ trong 1 ngày. Đến lúc này, Work From Home mới thực sự được xem như xu hướng chung của xã hội.
Thảo luận của người dùng cho thấy: Làm việc tại nhà không mang đến quá nhiều sự hoang mang cho người dùng. Trái lại, phần lớn người dùng cho rằng: Work From Home giúp họ thoải mái về giờ giấc hơn.Người tiêu dùng tận dụng sự linh hoạt giờ giấc do Work From Home đem lại, vừa để làm việc yêu thích, vừa để “kéo mood làm việc”. Một nhóm người dùng khác thì đón nhận Work From Home với một thái độ bình tĩnh và cẩn trọng. Họ sẽ cân nhắc các lợi ích và bất lợi khi làm việc tại nhà, quan tâm & chia sẻ nhiều nhiều về các bí kíp (tips) và các ứng dụng giúp tăng năng suất. Nhìn chung, người dùng có sự chuẩn bị tốt cho xu thế làm việc tại nhà.
2. Work From Home & Cách tận hưởng "Công sở thời Covid"
Qua thống kê, Buzzmetrics nhận thấy: Đồ ăn và thức uống là các yếu tố “kéo mood” phổ biến nhất, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Với nhóm đối tượng phụ huynh, họ cho rằng khoảng thời gian Work From Home là cơ hội để chăm sóc con cái nhiều hơn & con cái là yếu tố giúp họ có động lực làm việc. So với thời điểm trước tháng 03/2020, có nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh về việc nên cho con đi học hay ở nhà. Một trong số những lý do ủng hộ đi học sớm của trẻ là vì phụ huynh không thể sắp xếp công việc hoặc nghỉ dài ngày trông con tại nhà. Việc WFH kết hợp trông con ở nhà vào thời điểm này mang đến cảm giác tích cực cho phụ huynh vì bây giờ họ đã có thể chu toàn "con cái" và "công việc".Với nhóm người dùng chưa có con, họ xem thú cưng như chó hay mèo là đồng nghiệp của mình. Đây là một cách để giảm cảm giác cô đơn khi WFH của nhóm này. Người dùng cũng rất chịu khó đầu tư vào góc làm việc của mình.
Họ trang trí góc làm việc thật xinh xắn để tạo cảm giác "công sở". Nhìn kỹ hơn vào các tấm hình "góc làm việc" của người tiêu dùng sẽ thấy nhiều phát hiện thú vị:(1) Trên bàn làm việc, ngoài laptop là vật bất ly thân, có thể còn có nhiều phụ kiện đi kèm: ly đựng bút, một vài món đồ chơi, khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời, cây hoa, thú cưng.(2) Dĩ nhiên không thể thiếu đồ ăn thức uống, đặc biệt là một ly cà phê tự làm tại nhà để cải thiện sự tập trung khi làm việc. Điều này giải thích 1 phần cho chủ đề nóng "Dalgona Coffee" vừa xuất hiện trên mạng xã hội trong tháng 03/2020.
Nắm bắt được mối quan tâm của mọi người về góc làm việc, nhiều thương hiệu đã tổ chức các mini contest khoe góc làm việc, xem như cách cổ vũ tinh thần #WFH của nhân viên. Thậm chí, các thương hiệu còn mời gọi khách hàng cùng tham gia để được tặng những phần quà khích lệ.
Thể thao cũng là cách tạo ra tâm trạng tích cực khi làm việc tại nhà. Đặc biệt, bộ môn bodyweight - môn thể thao chỉ sử dụng trọng lượng cơ thể mà không đòi hỏi thêm các dụng cụ khác - rất thích hợp để tập ở nhà và đang tạo ra lượng thảo luận lớn bằng hình thức #Challenge.
Bên cạnh đó, một số người dùng cho rằng: Vào thời điểm này, có việc làm đã là một sự may mắn và họ muốn tận hưởng công việc đang làm. Nhìn chung, người dùng đã phải mang công việc về nhà rồi và không muốn làm công việc đó trở nên nặng nhọc hơn bằng cách than thở. Giữa bối cảnh (1) gia đình và công sở đang hòa làm một cũng như (2) suy giảm các lựa chọn thư giãn do hạn chế đi lại, họ sẽ tìm cách để tận hưởng những xáo trộn mới trong cuộc sống.
3. Work From Home & Những nỗi lo lắng
Người dùng phần đông khá tích cực về WFH, nhưng những lo lắng vẫn có tồn tại. Đó là những nỗi lo về bất ổn trong công việc, vấn đề tài chính bị ảnh hưởng hay đơn giản là việc khó tập trung khi làm việc ở nhà."WFH làm còn nhiều hơn ở văn phòng" là chia sẻ của nhiều nhóm người dùng. Việc hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài, tụ tập bạn bè, ít mất thời gian di chuyển khiến cho một số người tiêu dùng có nhiều thời gian trống hơn. Vì thế, làm việc cũng là một cách để giết thời gian trong thời điểm này.
Tuy nhiên, không phải lời than thở nào cũng liên quan đến vấn đề công việc. WFH dẫn đến 1 thực tế: Ăn nhiều hơn & ít đi lại. Vì thế, vóc dáng trở thành vấn đề khiến người dùng quan ngại không kém gì năng suất làm việc. Đây là mối quan ngại có cơ sở. Như đã nói, đồ ăn và thức uống là những thứ rất dễ cải thiện tâm trạng của người dùng - đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm khi người tiêu dùng chưa quen với việc ở nhà quá nhiều. Nhiều trường hợp mỗi khi người dùng “tụt mood” là họ lại nghĩ đến việc ăn uống. Điều này tạo nên những buổi ăn vặt xen kẽ giữa các buổi ăn chính, và tăng cân là điều tất yếu.Hơn thế nữa, giữa mùa dịch, đa phần người dùng không theo đuổi thực đơn Healthy Living. Phần lớn họ không quá đắn đo về nguyên liệu hay kỹ lưỡng về cách chế biến, miễn là nó đủ ngon và đủ no cho quá trình làm việc tại nhà.Một số thảo luận thể hiện ý định sẽ thực hiện một chương trình hồi phục cơ thể sau mùa dịch qua đi ("Giảm cân là chuyện của hậu Covid"). Vì thế, nhiều khả năng chủ đề ăn kiêng, tập thể dục, giảm cân, giữ dáng sẽ bùng nổ sau dịch. Đây sẽ là thời điểm cho các thương hiệu có sản phẩm hỗ trợ cải thiện vóc dáng (ít đường, béo) hay các sản phẩm về thể thao, trung tâm tập luyện; hoặc xa hơn là các thương hiệu chọn Thể thao là thông điệp kết nối.
Tóm lại...
Khi nhắc về Work From Home, người dùng sẽ thường quan tâm tới cảm hứng làm việc hơn là năng suất làm việc. Do đó, để tiếp cận với người dùng tốt hơn, thương hiệu nên đặt câu hỏi "Làm việc ở nhà sao cho VUI & TẬN HƯỞNG", thay vì "Làm việc ở nhà sao có HIỆU SUẤT". Dưới đây là cơ hội & cách thức cho các thương hiệu tận dụng:
- Cơ hội cho các thương hiệu liên quan đến nấu ăn: Các trải nghiệm nấu ăn tại nhà, Các thực đơn mới mẻ từ nguyên liệu dễ kiếm hay Các cách trang trí món ăn bắt mắt là những cách rất đơn giản để lồng ghép sản phẩm & vai trò thương hiệu vào "Trải nghiệm nấu nướng mùa WFH" của người dùng.
- Cơ hội cho các thương hiệu nước uống: Người tiêu dùng rất chịu khó trang trí góc làm việc của mình. Bàn làm việc của họ không chỉ có Laptop, đồ uống là món không thể thiếu. Hãy tìm cách để sản phẩm của mình xuất hiện trên bàn làm việc, qua các thông điệp mang tính chất vui tươi, gợi sự phấn khởi. Cũng nên chú ý, khu vực miền Nam đang bước vào giai đoạn nắng nóng và do vậy, một cốc nước mát & mang lại cảm hứng làm việc sẽ là điều người tiêu dùng cần vào thời điểm này. Miền Bắc đang có nhiệt độ lạnh hơn, các sản phẩm nóng khá phù hợp.
- Các thương hiệu cho mẹ và bé: Họ xem con cái như những đồng nghiệp tại nhà, thay vì là thủ phạm gây sự mất tập trung. Các gợi ý về hoạt động với con tại nhà, Minigame giúp người dùng chia sẻ nhiều hơn về những khoảnh khắc bên con mùa WFH sẽ là cách để kết nối với nhóm phụ huynh. Đồng thời, thương hiệu có thể tìm cách lồng ghép sản phẩm của mình vào điều kiện tham dự cuộc thi.
- Các thương hiệu về chăm sóc nhà cửa: Không câu chuyện nào cũng cần xoay quanh bàn làm việc, vì người dùng không thể ngồi 1 chỗ cả ngày. Dọn nhà/ dọn phòng/ góc làm việc cũng được xem là hoạt động tạo cảm hứng. Hãy liên kết sản phẩm & thương hiệu của bạn với góc độ này để tạo ra sự kết nối với người tiêu dùng
- Các thương hiệu khác: Nỗi lo tăng cân đang xuất hiện và sẽ càng tăng lên đến cuối & sau kỳ WFH. Hãy tổ chức các Challenge để người dùng tạm thời rời xa bàn làm việc và đồ ăn thức uống. Không nhất thiết phải Challenge họ bằng những hoạt động thể thao. Những hoạt động ngày thường khác như lau dọn phòng ốc cũng rất đáng để Challenge. Ngoài ra, một nhóm người dùng vì bị nhốt trong nhà quá lâu mà cảm thấy "cô đơn" và "cuồng chân". Những hoạt động khác giúp họ được chia sẻ, giảm cảm giác cô đơn hay đơn giản là "có gì đó khác để làm" cũng sẽ dễ nhận được hưởng ứng từ người dùng.
Thông tin bài viết