Thảo luận cuối năm học - cơ hội cho thương hiệu
Cuối năm học luôn là một trong những thời điểm đặc biệt quan trong đối với học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp sắp chia tay trường lớp và phải đối mặt với kì thi chuyển cấp thử thách. Việc sử dụng chủ đề thảo luận cuối năm học là cơ hội cho các thương hiệu thực hiện các chiến dịch Occasion-Based Marketing của mình
Mùa cuối năm luôn là một trong những thời điểm đặc biệt quan trong đối với học sinh, đặc biệt là những học sinh cuối cấp sắp chia tay trường lớp và phải đối mặt với kì thi chuyển cấp đầy thử thách. Với đặc trưng của thời điểm mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho học sinh, đây có thể nói là thời điểm “vàng” để các thương hiệu thực hiện các chiến dịch Occasion-Based Marketing (OBM) nhằm tận dụng tối đa cơ hội gắn kết và tăng sự liên tưởng thương hiệu trong tâm trí nhóm khách hàng đầy tiềm năng này.
Nhằm hiểu rõ hơn những chủ đề được học sinh quan tâm và nói đến nhiều nhất cũng như những nhu cầu, mong muốn của học sinh trong dịp cuối năm học, Buzzmetrics đã thực hiện nghiên cứu về chủ đề này dựa trên các bài viết và thảo luận trên social media trong khoảng thời gian từ 1/2/2017 – 31/5/2017.
Những chủ đề được học sinh thảo luận nhiều nhất vào dịp cuối năm học.
Trong khi học tập là mối quan tâm lớn nhất vào năm 2016 với nhiều thảo luận xoay quanh Thi cử, Du học thì năm 2017, học sinh lại có sự chuyển biến lớn khi ngày càng dành nhiều sự quan tâm hơn đến các hoạt động vui chơi, sáng tạo vào dịp cuối năm như Kỷ yếu, Lễ bế giảng hay Prom (Tiệc cuối cấp)
Nhìn chung, có sự khác biệt rất lớn giữa lượng thảo luận của các chủ đề vào năm 2016 và 2017. Học sinh ngày càng biết tận dụng social media như một kênh để thỏa sức sáng tạo và thể hiện lòng tự hào về trường lớp trong giai đoạn này. Ăn theo đó, các cuộc thi về trào lưu kỷ yếu đã bùng nổ lượng tương tác khổng lồ trên social media. Ngoài ra, các lĩnh vực căng thẳng và khô khan như “Thi cử” cũng được học sinh ngày nay tận dụng biến tấu với rất nhiều trào lưu mới lạ trên social media.
Có thể nhận thấy, việc thỏa sức vui chơi, sáng tạo để tạo ra những dấu ấn khó phai trong những ngày cuối năm là điều ngày càng nhận được sự quan tâm từ học sinh hơn là chỉ tập trung vào thi cử và học tập.
Ngoài ra, những bài đăng confession xoay quanh cảm nghĩ về buổi học cuối cùng ngày càng được nhiều học sinh chia sẻ trên social media.
1. Sự bùng nổ của trào lưu kỷ yếu trong thời đại mạng xã hội thống trị
So với năm 2016, lượng bài viết và thảo luận về các phong cách kỷ yếu tăng 2,3 lần.
Với sự phát triển của social media, việc tìm kiếm và tham khảo các ý tưởng thực hiện kỷ yếu ngày càng dễ dàng hơn; do đó, trong những năm gần đây, trào lưu này đang ngày càng bùng nổ và trở thành điều không thể thiếu trong cộng đồng học sinh, sinh viên. Trong đó, phong cách thực hiện thông qua các video âm nhạc hay phim ngắn càng được các bạn học sinh chú ý nhiều hơn so với cách thể hiện bằng hình ảnh, album quen thuộc. Ngoài ra các ý tưởng được hình thành từ các trào lưu, sự kiện nổi bật trong giới trẻ cũng được thảo luận khá nhiều như Bột màu (ảnh hưởng từ Đường chạy sắc màu Color Me Run), Hoài cổ (trào lưu Vintage) hay Điện ảnh, Kinh dị (Ảnh hưởng từ các bộ phim nổi tiếng).
Có thể nói việc tạo ra một sản phẩm Kỷ yếu chất lượng và thu hút được nhiều người chú ý, đặc biệt là trên mạng xã hội là một nhu cầu ngày càng lớn của học sinh ngày nay. Kỷ yếu giờ đây không còn đơn giản là nơi lưu giữ những khoảnh khắc khó quên của tuổi học trò mà đang trở thành một sân chơi đích thực để thể hiện sự sáng tạo và thỏa mãn cái tôi tập thể, lòng tự hào về trường lớp bằng việc thu hút lượng tượng tác khổng lồ cho sản phẩm của mình.
Đáp ứng nhu cầu đó, một số trang fanpage của các trường Trung Học Phổ Thông và hot fanpage đã tổ chức một số cuộc thi xoay quanh trào lưu này vào năm 2016. Đến năm 2017, các thương hiệu đã nhanh chóng tận dụng và tổ chức thành công những cuộc thi, chiến dịch về Kỷ yếu. Có thể kể đến sự thành công của Cuộc thi Lưu bút cùng Nabati của thương hiệu Nabati hay cuộc thi cover dành cho nhóm/lớp học sinh, sinh viên với phần thưởng là gói chụp ảnh kỷ yếu trong chiến dịch Thích thì hát, sống trẻ từng giây của Pepsi.
2. “Thi cử” không còn khô khan trong thời đại bùng nổ mạng xã hội
Việc ôn thi và các đề thi không chỉ còn theo cách truyền thống nhàm chán mà còn có các phương pháp ôn thi mới, dễ hiểu cũng như những đề thi cập nhật được các xu hướng, chủ đề nổi bật trên mạng xã hội.
Các thảo luận về thi cử của học sinh đã bắt đầu từ rất sớm (trong khoảng thời gian sau Tết). Trong giai đoạn này, các hoạt động thi cử được học sinh thảo luận nhiều nhất là việc ôn thi học kỳ và các hoạt động sau kỳ thi; một số ít thảo luận đề cập đến chuyện chọn trường cho kỳ thi đại học sắp tới cũng như các lời chúc thi tốt và gian lận.
Bằng sự sáng tạo vô biên, các bài học khô khan ở trường đang ngày càng được cộng đồng học sinh biến tấu thành những sản phẩm hài hước, đầy tính truyền cảm hứng cho việc học tập trên mạng xã hội. Trào lưu “ảnh phục chế nhân vật văn học” gây sốt trên social media nhờ vào các minh họa hoạt cảnh, ý nghĩa tác phẩm bằng những hình ảnh vui nhộn, dễ hiểu. Đồng thời, nền giáo dục càng ngày càng cập nhật với các đề thi không chỉ xoay quanh những tác phẩm văn học mà còn nhiều sự kiện, hoạt động xã hội nổi bật trong thời gian gần đây. [Link]
3. Lễ bế giảng – sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại
Xuất phát từ lý do “phải nghịch ngợm mới là học sinh, mới lưu giữ được những kỷ niệm đẹp, những ký ức đẹp trong suốt thời học sinh”, bên cạnh các hoạt động truyền thống không thể thiếu trong lễ bế giảng, những hoạt động mang tính hiện đại ngày càng được nhiều bạn học sinh chú ý.
Hoạt động bế giảng là một phần quan trọng sau một năm học của các bạn học sinh, nhất là những học sinh cuối cấp, các ý tưởng hoạt động vui chơi, nghịch ngợm trong ngày này như Ném bột màu, ném bóng nước, nhảy EDM được quan tâm thảo luận và hưởng ứng thực hiện không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa được nhiều trường chủ động tổ chức do e ngại về vấn đề vệ sinh và phá vỡ tính truyền thống của buổi lễ trong khi nhu cầu này của học sinh ngày càng cao.
4. PROM - trào lưu triễn vọng cho hoạt động cuối năm trong tương lai.
So với năm 2016, lượng bài viết và thảo luận về Prom tăng gấp 7 lần.
Prom là một hoạt động ngày càng trở nên phổ biến với nhiều học sinh cuối cấp Việt Nam. Đáng chú ý, mùa prom 2017 có sự tăng trưởng mạnh mẽ về thảo luận và trở thành trào lưu nổi bật trên social media nhờ vào sự ảnh hưởng từ bộ phim học đường "Em chưa 18" gây sốt. Với quan điểm “Đám cưới người ta còn làm được vài lần nhưng Prom thì chỉ có một lần trong đời”, hoạt động này được xem như là một sự kiện kỷ niệm đáng nhớ trước khi ra trường.
Có thể thấy, vui chơi giải trí, thể hiện phong cách bản thân vẫn là nhu cầu lớn trong giai đoạn này. Các chủ đề thảo luận của prom đều xoay quanh việc chuẩn bị tốt nhất cho bản thân mình nhằm tạo ra một kỷ niệm đáng nhớ cho ngày cuối cấp. Tuy nhiên, so với trào lưu Kỷ yếu và những hoạt động vui chơi ngày Lễ bế giảng thì Prom vẫn còn non trẻ, nhiều triễn vọng phát triễn đa dạng với nhiều ý tưởng mới lạ hơn trong những năm sắp tới. Buzzmetrics sẽ theo dõi và cập nhật những phân tích sâu hơn trào lưu này ở các bài viết kế tiếp.
5. Học sinh thảo luận gì về Du học và Buổi học cuối cùng vào cuối năm học?
Các thảo luận của học sinh về chủ đề du học chủ yếu là xin tư vấn; trong đó, du học Nhật nhận được nhiều sự quan tâm nhất do chất lượng giảng dạy và hiệu quả của nền giáo dục Nhật. Bên cạnh đó, các confession chia sẻ cảm nghĩ về buổi học cuối cùng cũng thu hút được nhiều sự yêu thích và chia sẻ.
Đáng lưu ý, việc bày tỏ và chia sẻ cảm xúc về khoảng thời gian ở học đường vẫn là một nhu cầu rất lớn của học sinh nhưng chưa được các thương hiệu chú ý.
Các thương hiệu có thể làm gì để tăng tương tác và sự yêu thích từ học sinh vào mùa cuối năm học?
- Tổ chức, góp phần định hướng các hoạt động cuối năm vừa hiện đại vừa ghi điểm với người lớn.
Việc dung hòa các giá trị truyền thống và hiện đại trong lễ bế giảng hay hoạt động prom cuối cấp, kỷ yếu ngày càng gây ra sự tranh cãi lớn. Khi các trào lưu ngày càng bùng nổ dễ dàng dẫn đến một số hoạt động sẽ quá lố, gây phản cảm và không phù hợp môi trường học đường; từ đó ảnh hưởng không tốt đến việc nhìn nhận của thầy cô, phụ huynh về các trào lưu này.
Việc thương hiệu đứng ra tổ chức các hoạt động trong ngày lễ bế giảng hay prom với nhiều hoạt động hiện đại không chỉ nhận được nhiều tình cảm từ học sinh mà cũng giúp người lớn an tâm hơn là các hoạt động tự phát. Đặc biệt, schooling tour, prom kết hợp những người nổi tiếng trong giới trẻ sẽ liên kết thương hiệu với một thời điểm quan trọng trong năm; từ đó, giúp thương hiệu trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu khi nghĩ về khoảng thời gian này.
- Tổ chức một sân chơi thể hiện sự sáng tạo và niềm tự hào cho tập thể, trường lớp.
Bên cạnh các nhiệm vụ học tập hàng ngày khiến đầu óc căng thẳng, những hoạt động vui chơi, cuộc thi để giải trí là điều được nhiều bạn học sinh chú ý nhất trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhu cầu này chưa được nhiều thương hiệu chú ý và triển khai nhằm tiếp cận đến đối tượng khách hàng mục tiêu của mình một cách tốt hơn.
Việc tổ chức các cuộc thi thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của học sinh như cuộc thi kỷ yếu sẽ giúp các thương hiệu nhận được nhiều sự chú ý và yêu thích từ khách hàng mục tiêu của mình. Có thể thấy, Nabati và Pepsi là hai thương hiệu đã thành công trong việc sử dụng hoạt động này trong chiến dịch của mình vào năm 2017.
- Tận dụng nhu cầu bày tỏ cảm xúc và được ghi nhận để gắn kết với học sinh
Những kỷ niệm cuối năm học hay khoảng thời gian cấp 3 mặc dù không nhận được lượng lớn thảo luận nhưng vẫn là một nhu cầu chiếm nhiều sự quan tâm của học sinh. Các thương hiệu có thể tận dụng loại nội dung này để tranh thủ tạo ra những gắn kết cảm xúc với cộng đồng học sinh trong thời điểm cuối năm học.
Thông tin bài viết