Tổng quan thị trường 4G sôi động qua phân tích trên social media
Buzzmetrics đã thực hiện phân tích các ý kiến thật sự được tạo ra bởi người dùng trên social media liên quan đến thị trường 4G trong khoảng thời gian 6 tháng gần đây (01/11/2016 - 30/04/2017) nhằm cung cấp cho thương hiệu cái nhìn tổng quan nhất từ phía người tiêu dùng đối với dịch vụ này.
Mạng 4G vẫn đang trong giai đoạn triển khai tại Việt Nam, các thương hiệu viễn thông vẫn đang tiếp tục xây dựng và tung ra các gói dịch vụ. Chính vì thế, việc nắm bắt các nhu cầu và đánh giá của người dùng trong nước về việc sử dụng mạng 4G sẽ giúp các nhà mạng có cái nhìn rõ hơn về tình hình của mạng 4G và đưa ra những bước đi chiến lược cho việc quảng bá sản phẩm trong giai đoạn này.
Buzzmetrics đã thực hiện phân tích các ý kiến thật sự được tạo ra bởi người dùng trên social media liên quan đến việc trải nghiệm và đánh giá mạng 4G trong khoảng thời gian 6 tháng gần đây (01/11/2016 - 30/04/2017) nhằm cung cấp cho thương hiệu cái nhìn tổng quan nhất từ phía người tiêu dùng đối với dịch vụ này.
A. Người dùng nói gì về 4G trên social media?
Theo phân tích của Buzzmetrics dựa trên các thảo luận có chứa ý kiến thực sự của người tiêu dùng về dịch vụ 4G, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017 có 4 chủ đề thảo luận chính được nhắc đến trên social media: trong đó có 25% lượng thảo luận xoay quanh việc cân nhắc sử dụng dịch vụ 4G, 8% ý kiến chia sẻ rằng sẽ không sử dụng dịch vụ 4G, đồng thời cũng có 32% ý kiến phản hồi từ những người đã dùng và hài lòng về dịch vụ 4G và có đến 35% lượng thảo luận của người dùng không hài lòng về 4G sau khi đã trải nghiệm.
I. Khách hàng chưa sử dụng 4G có những băn khoăn, nhìn nhận gì về dịch vụ này ?
1. "Làm thế nào để chuyển sang sim 4G" là mối quan tâm lớn nhất của người dùng hiện tại
Trong quá trình tìm hiểu để có thể sử dụng mạng 4G, cách thức chuyển đổi sang sim 4G là chủ đề được người dùng quan tâm nhất trên social media với 13% lượng thảo luận; người dùng chủ yếu hỏi về việc đổi sim 4G ở đâu? Phí đổi sim như thế nào? Những yêu cầu cần để có thể đổi sim?
Bên cạnh đó, người dùng còn quan tâm đến thông tin về cách thức đăng ký các gói cước để sử dụng 4G - chiếm 6% thảo luận của người dùng. Ngoài ra, 4% thảo luận của người dùng trước khi chuyển đổi sang sim 4G là thắc mắc việc các ưu đãi của sim cũ có được giữ nguyên, nhất là các ưu đãi dành cho sim sinh viên.
2. Một số người dùng chưa thấy cần thiết của việc chuyển đổi từ 3G sang 4G
Bên cạnh các thảo luận tìm hiểu để có thể sử dụng dịch vụ 4G thì vẫn có các ý kiến trái chiều; cụ thể, có 4% thảo luận của người dùng chia sẻ họ sẽ không sử dụng 4G trong giai đoạn này vì đang cảm thấy hài lòng với mức giá và chất lượng của mạng 3G và có 6% ý kiến cho rằng giá cước 4G quá cao để có thể sử dụng. Đây là nhóm người chia sẻ sẽ đợi một khoảng thời gian nữa cho đến khi mạng 4G được triển khai đồng bộ và ổn định thì mới quyết định sử dụng.
II. Khách hàng đã dùng 4G thực sự nói gì về dịch vụ này ?
1. Nhà mạng quảng cáo nhanh gấp 10 lần 3G, người dùng thực sự nói gì?
Theo thống kê của Buzzmetrics trong khoảng thời gian từ 11/2016 - 04/2017, người dùng đã bắt đầu được trải nghiệm mạng 4G và có các thảo luận đánh giá đối với công nghệ mới này trên social media. Mạng 4G được báo chí và các diễn đàn công nghệ đánh giá là có thể đạt tốc độ truy cập nhanh gấp 10 lần so với 3G [Link]. Tuy nhiên, bên cạnh 28% các thảo luận nhận xét mạng 4G có tốc độ truyền tải/truy cập nhanh thì vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều chưa hài lòng về tốc độ truy cập của mạng 4G, cụ thể là 12% người dùng đã trải nghiệm mạng 4G phản hồi rằng không thấy được sự khác biệt giữa 4G so với 3G.
Ngoài ra, khả năng truy cập yếu khi hết dung lượng tốc độ cao cũng là điểm khiến nhiều người dùng không hài lòng về dịch vụ 4G.
2. Người dùng cho rằng giá cước 4G không thực sự rẻ
Mạng 4G được truyền thông là có giá rẻ bằng cách so sánh giá của 4G ở Việt Nam với các quốc gia khác, thậm chí là so sánh với giá trên mỗi KB hay MB dung lượng mà người dùng phải trả khi sử dụng mạng 3G và 4G. Tuy nhiên, trong các thảo luận bàn về giá cước của 4G trên social media chỉ có 2% thảo luận cho rằng giá cước 4G hợp lý; trong khi đó, có đến 5% ý kiến của người dùng phản hồi giá cước 4G cao.
Vì sao người dùng cho rằng giá 4G đắt?
Trong khi nhà mạng chứng minh 4G có giá rẻ bằng số tiền cụ thể phải trả từng KB/MB thì việc thời gian sử dụng 4G dài hay ngắn và có thể tiếp tục truy cập vào mạng sau khi dùng hết dung lượng cao lại là những điểm mà người dùng quan tâm để đánh giá 4G có thực sự rẻ hay không.
Có 3% ý kiến của người dùng trên social media cho rằng dùng 4G mau hết dung lượng và 6% thảo luận phàn nàn về việc không truy cập được mạng 4G sau khi hết dung lượng (các gói cước 3G sau khi hết dung lượng vẫn có thể vào mạng với tốc độ thấp). Mặt khác, nhiều người dùng trên social media đề nghị các nhà mạng nên đa dạng các gói cước hơn và có các gói truy cập không giới hạn.
3. Đường truyền mạng chưa ổn định, Gây mất sóng điện thoại, Khiến điện thoại mau hết pin là những phàn nàn đáng chú ý khác của người dùng về 4G ở thời điểm hiện tại
Một số ý kiến khác của người dùng chưa hài lòng về mạng 4G do đường truyền mạng chưa ổn định (chiếm 6%) và khi sử dụng 4G làm mất sóng điện thoại (chiếm 5%). Ngoài ra, một vài người dùng còn tin rằng việc dùng 4G làm điện thoại nhanh hết pin - chiếm 1% ý kiến của người dùng trên social media.
B. Đánh giá tổng quan về mạng 4G của các thương hiệu viễn thông trên social media
1. Số lượng và thị phần thảo luận
Theo thống kê của Buzzmetrics trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 - 4/2017, Viettel là thương hiệu viễn thông được nhắc đến nhiều nhất trên social media khi người dùng thảo luận về 4G. Lượng bài viết và thảo luận khổng lồ được tạo ra là nhờ Viettel có các hoạt động quảng bá mạnh mẽ cho 4G với hàng loạt sự kiện ra mắt tại các tỉnh thành được chính thức phủ sóng 4G, các livestream từ người nổi tiếng, cuộc thi ảnh “Đỉnh cao kết nối” thu hút nhiều sự tham gia của người dùng trên Facebook và các ưu đãi hấp dẫn khác cho khách hàng như: chương trình đổi sim 4G miễn phí, tặng khách hàng 10GB dữ liệu miễn phí...
Trong khi đó, hai nhà mạng còn lại là Vinaphone và Mobifone vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và triển khai ở một vài thành phố lớn; hoạt động chính của hai thương hiệu viễn thông này là hỗ trợ khách hàng đổi sim 4G miễn phí. Ngoài ra, Vinaphone cũng có các hoạt động ra mắt mạng 4G tại các tỉnh thành được phủ sóng mạng 4G như Cà Mau, Vũng Tàu; đặc biệt là sự kiện đại nhạc hội Vinaphone 4G tại Vũng Tàu và các mini game trên trang Facebook fanpage của nhà mạng.
2. Thái độ của người dùng đối với dịch vụ mạng 4G của 3 thương hiệu viễn thông
- Viettel: tốc độ truyền tải/truy cập nhanh là điểm nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất của người dùng trên social media; bên cạnh đó là các thảo luận phản ánh tốt về mức độ phủ sóng tốt; mạng ổn định và cước phí 4G hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thảo luận của người dùng nhận xét tốc độ truyền tải/truy cập 4G của Viettel chậm; ngoài ra, người dùng còn phàn nàn việc không thể truy cập được mạng 4G khi hết dung lượng cao; mạng không ổn định và khiến điện thoại nhanh hết pin cũng là các điểm khiến thương hiệu nhận phải các thảo luận tiêu cực. Ngoài ra, chương trình “Trải nghiệm 4G miễn phí” nhận một số ý kiến phàn nàn cho rằng thương hiệu không cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ rõ ràng.
- Mobifone: tốc độ truyền tải/truy cập nhanh cũng là điểm giúp thương hiệu nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất; được đổi sang sim 4G miễn phí và giữ nguyên các ưu đãi từ sim cũ là những điểm nhận được các thảo luận tích cực từ người dùng trên social media. Mặt khác, Mobifone vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phủ sóng 4G ở một vài thành phố lớn khiến người dùng nhận xét tốc độ phủ sóng 4G của Mobifone chậm và tốc độ truy cập/truyền tải chậm.
- Vinaphone: tốc độ truyền tải/truy cập nhanh và giá cước hợp lý là hai điểm giúp Vinaphone nhận được nhiều ý kiến tích cực về mạng 4G. Tuy nhiên, cũng giống như Mobifone, mạng 4G của Vinaphone bị nhận xét là có tốc độ phủ sóng 4G chậm và tốc độ truy cập/truyền tải chậm.
Thông tin bài viết