Thảo Luận Mạng Xã Hội Về Phim Chuyển Thể: Cái Đúng Ló Cái Hay
Điều người dùng quan tâm nhất về phim chuyển thể trước hết phải “Đúng” - bám sát nội dung nguyên tác, sau đó mới đến “Hay” - xét đến các yếu tố như diễn viên, kịch bản hay, tính sáng tạo, giá trị sản xuất. Mọi sự thêm thắt chỉ có ý nghĩa khi đảm bảo trung thành với nguyên tác.
Nói về phim chuyển thể thông qua góc nhìn dữ liệu mạng xã hội, tại sao không? Hãy để báo cáo mới nhất của Buzzmetrics tiết lộ cho bạn những thống kê thú vị về dòng phim chuyển thể.
1. Nhộn nhịp thảo luận phim chuyển thể
Thống kê của Buzzmetrics cho thấy: 5 trên 10 phim được thảo luận nhiều nhất 2023 là các phim được chuyển thể từ sách, truyện. Trong đó, Đất Rừng Phương Nam chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi đã thu về gần một triệu thảo luận, chỉ xếp sau hai phim Nhà Bà Nữ và Lật Mặt 6. Phim truyền hình Tết Ở Làng Địa Ngục từ nhà văn Thảo Trang cũng có hơn 400 nghìn thảo luận. Các phim chuyển thể còn lại đều đến từ Trung Quốc, gồm có: Trường Nguyệt Tẫn Minh, Dĩ Ái Vi Doanh, Trường Tương Tư.
Cả Trường Nguyệt Tẫn Minh và Trường Tương Tư đều thuộc thể loại cổ trang - tình cảm, góp phần giúp hai thể loại chiếm được sự quan tâm thảo luận của nhiều người dùng mạng xã hội. Trong thực tế, dòng phim chuyển thể cổ trang - tình cảm của Trung Quốc trước giờ vẫn luôn là món ăn ưa thích của khán giả Việt, một xu hướng bền vững và chưa cho thấy dấu hiệu lỗi thời. Ngược dòng về quá khứ, chúng ta sẽ thấy những phim chuyển thể nổi bật như Hậu Cung Chân Hoàn Truyện (2011), Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa (2017), Sở Kiều Truyện (2017), Như Ý Truyện (2018), Đông Cung (2019),...
Kinh dị và lịch sử là những thể loại tiếp theo được người dùng thảo luận, đến từ hiệu ứng của các phim Việt như Đất Rừng Phương Nam, Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn. Dòng phim chuyển thể siêu anh hùng, sau giai đoạn phát triển rực rỡ của thập kỷ trước với Marvel làm ngọn cờ đầu, đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, các phim thể loại này vẫn được duy trì thảo luận nhờ cộng đồng yêu thích truyện tranh phương Tây. Đáng chú ý là sự nổi lên của các phim hoạt hình chuyển thể, đặc biệt là hoạt hình Nhật Bản. Các phim như The First Slam Dunk, Gia Đình x Điệp Viên: Mã Trắng hay gần đây hơn là tập mới nhất của Doraemon đã từng thu hút thảo luận cộng đồng mạng trong thời gian chiếu rạp.
Nhắc đến các khía cạnh của phim được người dùng quan tâm, nội dung nguyên tác sẽ đứng đầu. Điều này khá dễ hiểu vì đa số những đầu sách, vở kịch được lựa chọn để chuyển thể đều đã tạo được tiếng vang, có lượng người hâm mộ nhất định, điển hình như loạt truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Không chỉ vậy, mối quan tâm của người dùng còn hướng đến nhiều khía cạnh khác, từ diễn xuất - diễn viên cho tới thông điệp, bối cảnh, âm nhạc, đạo diễn. Có thể nói, phim chuyển thể thường sẽ “được”/”bị” người dùng soi nhiều hơn so với một phim bình thường, vô hình trung tạo áp lực lên nhà làm phim.
2. Người dùng đánh giá phim chuyển thể: Đúng trước, hay sau
Chính vì nguyên tác đã tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng nên kịch bản bám sát nguyên tác là điều người dùng đánh giá cao nhất ở phim chuyển thể. Trong quá khứ, đã có những phim được đầu tư kỳ công nhưng lại thất bại về doanh thu lẫn dư luận vì thiếu trung thành với nguyên tác. Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là một trường hợp như vậy, khi chỉ thu về 22 tỷ đồng so với con số 43 tỷ đồng làm phim. Phim bị chỉ trích vì quá xa rời nguyên tác, không đúng với tinh thần của bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt.
Diễn xuất cũng là một yếu tố khác làm tăng sự yêu thích của khán giả với phim. Vốn đã biết nhân vật từ trước đó (khi đọc nguyên tác) nên trong quá trình xem phim, khán giả sẽ không tránh khỏi việc so sánh giữa diễn viên và nguyên mẫu. Diễn “đơ” hoặc diễn “lố” cũng dễ dàng trở thành một điểm trừ với khán giả. Bác Ba Phi của phim Đất Rừng Phương Nam phiên bản 2023 từng bị khán giả chê vì hoạt ngôn hơn hẳn so với bác Ba Phi có phần trầm lặng của nguyên tác.
Nếu phim đảm bảo được sự tôn trọng với nguyên tác thì người dùng sẽ xét đến các yếu tố như kịch bản hay, tính sáng tạo, giá trị sản xuất. Sách và phim là những hình thức khác nhau. Sách có lợi thế về khai thác nội tâm nhân vật và những mô tả chi tiết, trong khi phim có khả năng chạm tới đa giác quan của khán giả nhờ hình ảnh và âm thanh. Một phim chuyển thể được yêu thích cần tới sự sáng tạo của đội ngũ sản xuất để bù đắp cho những yếu tố khó truyền tải của sách. Chính vì vậy, một số phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hay Mắt Biếc được đánh giá cao, không chỉ ở độ bám nguyên tác mà còn ở khả năng phiên dịch ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh một cách tinh tế.
3. Muôn vẻ phim chuyển thể Việt giai đoạn 2022 - 2024
Tính từ đầu 2022 đến tháng 03/2024, Việt Nam đã cho ra lò tất cả bảy phim chuyển thể, gồm có 5 điện ảnh và 2 truyền hình. Dựa trên bốn yếu tố: (1) Chỉ số cảm xúc, (2) Điểm số đánh giá IMDb, (3) Lượng người thảo luận và (4) Doanh thu, có thể chia các phim trên thành bốn nhóm:
(1) Phim có “tiếng”: Trong số bảy phim chuyển thể, Tro Tàn Rực Rỡ là trường hợp duy nhất đạt 7.0 trên IMDb. Phim nhận về cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn, gặt hái thành công tại nhiều liên hoan phim. Tuy nhiên, phim cũng được nhận định là kén khán giả. Bằng chứng là chỉ khoảng 11 nghìn người tham gia thảo luận trên mạng xã hội, so với con số 163 nghìn người của Đất Rừng Phương Nam. Doanh thu của phim tương đối khiêm tốn. Trại Hoa Đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết của Di Li cũng rơi vào tình cảnh tương tự Tro Tàn Rực Rỡ.
(2) Phim có “miếng”: Những phim cực kỳ thành công về mặt thương mại (Doanh thu trên 100 tỷ) như Đất Rừng Phương Nam hay Người Vợ Cuối Cùng, đồng thời có lượng người tham gia thảo luận đông đảo. Tuy nhiên, các phim không được đánh giá quá cao (Điểm số IMDb chỉ dao động ở mức 6.1 ~ 6.3) và bị đặt dấu hỏi lớn về mức độ trung thành với nguyên tác. Đối với Đất Rừng Phương Nam, phim nhận nhiều tranh cãi về trang phục cũng như vai trò của các đảng phái, khiến chỉ số cảm xúc của phim xuống mức âm. Còn Người Vợ Cuối Cùng bị khán giả “chê” ở cốt truyện thiếu logic, xây dựng nam chính thiếu thiện cảm.
(3) Phim có “tiếng”, có “miếng”: Tết Ở Làng Địa Ngục gần như là phim duy nhất cân bằng giữa lượng và chất. Phim không chỉ được thảo luận nhiều mà còn nhận về những lời bình luận tích cực từ phía khán giả, đặc biệt ở những tập đầu tiên. Phần đông khán giả cho rằng phim đã tạo dựng được bầu không khí ma mị huyền ảo, có sức mời gọi mạnh mẽ. Thành công của Tết Ở Làng Địa Ngục là tiền đề tạo nên sự kỳ vọng của khán giả đối với Kẻ Ăn Hồn.
(4) Phim thiếu “tiếng”, thiếu “miếng”: Đó là trường hợp của phim 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên khi chỉ thu về 3.5 tỷ đồng (số liệu trong nước) và nhận về số điểm 4.3 trên IMDb. Người dùng mạng xã hội cũng không quá hào hứng khi thảo luận về phim, còn báo chí đánh giá phim chưa được như kỳ vọng.
Nhìn chung, thị trường phim chuyển thể Việt trong hai năm qua là một bức tranh với những sắc màu trầm, dù đâu đó vẫn le lói một vài điểm tươi sáng. Thời gian tới, với các phim Kính Vạn Hoa và Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình, thị trường phim chuyển thể Việt được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.
KẾT LUẬN
Từ số liệu thống kê mạng xã hội, ta thấy được:
(1) Dòng phim chuyển thể đang được thảo luận khá sôi nổi, với đa dạng thể loại và khía cạnh thảo luận.
(2) Khác biệt của phim chuyển thể là được làm dựa trên sản phẩm có sẵn. Trung thành với nguyên tác gần như là một điều kiện bắt buộc của phim, trước khi khán giả cân nhắc đến cái hay của kịch bản, cái sáng tạo của đạo diễn.
(3) Hai năm vừa qua là một khoảng thời gian đầy khó khăn với phim chuyển thể Việt. Tết Ở Làng Địa Ngục là phim hiếm hoi đáp ứng tốt về nội dung lẫn sự quan tâm của khán giả.
Liên hệ ngay
với đội ngũ tư vấn Buzzmetrics để nhận ngay báo cáo mới nhất giúp marketers giải đáp những câu hỏi cũng như tiết lộ những insight người dùng trên mạng xã hội.
Thông tin bài viết