Giải Mã Xu Hướng: “An Toàn & Tự Nhiên” – Tiêu Chuẩn Mới Trong Lựa Chọn Sản Phẩm Sức Khỏe

Phân tích từ Buzzmetrics cho thấy: khi lựa chọn sản phẩm điều trị, người tiêu dùng không còn đặt nặng giá cả hay hiệu quả tức thời. Thay vào đó, họ ưu tiên yếu tố an toàn và nguồn gốc tự nhiên – một định nghĩa mới về “chữa trị hiệu quả”. Bài viết sẽ giải mã xu hướng này và cơ hội cho thương hiệu.
Từ diễn biến thảo luận và Insight người dùng ngành Dược, xu hướng lựa chọn sản phẩm an toàn, tự nhiên đã được xác thực và lan tỏa, ảnh hưởng đến các hành vi mua sắm và thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung. Hãy cùng Buzzmetrics giải mã xu hướng này từ góc nhìn phân tích dữ liệu mạng xã hội.
1. TỪ GÓC NHÌN NGÀNH DƯỢC - SỰ TĂNG TRƯỞNG TRONG LỰA CHỌN ĐÔNG Y KHI ĐIỀU TRỊ
Trong quá trình nghiên cứu hành vi người dùng cho nhóm ngành hàng chăm sóc sức khỏe, Buzzmetrics nhận thấy 1 xu hướng chuyển dịch rõ ràng của người dùng, đặc biệt thể hiện rõ qua những thảo luận của ngành hàng Dược phẩm. Cụ thể, thảo luận về phương pháp điều trị bệnh bằng uống thuốc, trên mạng xã hội người dùng có sự phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm Đông và Tây Y, và từ dữ liệu thảo luận trong hơn 1 năm từ 03/2024-02/2025, hành vi sử dụng và mối quan tâm của họ đang có sự phân hóa và thay đổi lớn.
1.1. Lượng thảo luận về Đông y tăng trưởng, tỷ trọng trong ngành tăng so với Tây Y
Ở đầu năm 2024, thảo luận về Đông Y và Tây Y dao động quanh mức 200.000 lượt/tháng. Sau một năm, tổng lượng thảo luận tăng mạnh, đạt 1.063.037 lượt vào tháng 02/2025 – phản ánh mức độ quan tâm cao hơn từ người dùng mạng xã hội so với cùng kỳ năm trước. Khi nhìn kỹ hơn vào đường xu hướng thì khoảng cách giữa thảo luận Đông và Tây Y lại có sự chênh lệch biến động lớn.
- Thảo luận về Đông Y có sự tăng trưởng trong thời gian nghiên cứu, đạt đỉnh ở mức 709,611 thảo luận (tháng 10/2024) và trung bình chưa bao giờ xuống dưới 300,000 thảo luận mỗi tháng
- Thảo luận về Tây Y tuy cũng có giai đoạn tăng trưởng ổn định nhưng chỉ đạt đỉnh 531,269 vào tháng 05/2024, và sau đó là xu hướng giảm đều đến đầu năm 2025.
Xu hướng chung cho thấy thảo luận về Đông Y chiếm tỷ trọng lớn hơn rõ rệt, liên tục ghi nhận lượng thảo luận vượt trội Tây Y. Một số thời điểm, mức chênh lệch lên đến gần gấp 2 lần.

Từ những chênh lệch đáng kể trong lượng thảo luận, vì sao Đông Y đang được người dùng ưu tiên nhắc đến nhiều hơn so với Tây Y?
1.2. “Vùng giao thoa” Đông – Tây y trong thảo luận điều trị nhóm bệnh không nghiêm trọng
Xét theo mức độ ảnh hưởng, các bệnh được chia thành hai nhóm: nghiêm trọng và không nghiêm trọng. Với bệnh nghiêm trọng, lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào chỉ định y khoa và chuyên môn bác sĩ. Do đó, báo cáo tập trung phân tích nhóm bệnh không nghiêm trọng – nơi hành vi người dùng mang tính chủ động cao hơn, với hơn 1,8 triệu người tham gia thảo luận.

Trong nhóm này, tiếp tục phân chia thành hai loại bệnh với hành vi và lựa chọn phương pháp khác biệt. Với các triệu chứng cấp tính cần xử lý ngay như sốt (105.064 thảo luận), đau đầu/chóng mặt (133.572), người dùng có xu hướng ưu tiên Tây y như một giải pháp tác dụng nhanh, giúp kiểm soát tình huống kịp thời. Ngược lại, khi nhắc đến các triệu chứng có tính kéo dài như mất ngủ, mệt mỏi, đau họng, Đông y lại được ưu tiên vượt trội nhờ cảm giác “an toàn – không mệt – dùng lâu không lo tác dụng phụ”.
- Bệnh cấp tính (sốt, đau đầu): Người dùng ưu tiên Tây Y nhờ khả năng xử lý nhanh, kiểm soát triệu chứng tức thời.
- Vấn đề kéo dài (mất ngủ, mệt mỏi, đau họng): Người dùng nghiêng về Đông Y, do đặc tính lành tính, dùng lâu không lo tác dụng phụ.
Ngoài ra, một số triệu chứng phổ biến như đau bụng, cảm cúm, nghẹt mũi được thảo luận song song ở cả hai phương pháp – cho thấy khu vực “giao thoa” giữa Đông và Tây Y.
Người dùng lựa chọn Đông Y không chỉ vì hiệu quả, mà còn do yếu tố cảm giác như an toàn, tự nhiên, không ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Điều này hé lộ một insight quan trọng: Đông Y được xem là giải pháp chăm sóc sức khỏe bền vững hơn là “chữa trị cấp tốc”.
Đáng chú ý, nhóm bệnh cấp tính hiện vẫn là “lãnh địa” của Tây Y. Tuy nhiên, Dựa trên xu hướng và những yếu tố mong đợi đã được phân tích, các thương hiệu Đông Y có thể khai phá thêm tiềm năng các sản phẩm chữa trị cho nhóm bệnh cấp tính nhưng có yếu tố dai dẳng dễ lặp lại, với lợi thế được nhìn nhận là an toàn, lành tính và trị được tận gốc căn bệnh.
1.3. Lý do người dùng lựa chọn Đông Y: Từ hiệu quả bền vững đến niềm tin vào sự lành tính

Bên cạnh hiệu quả điều trị, người dùng lựa chọn Đông Y phần lớn dựa trên hai yếu tố quan trọng: độ an toàn – lành tính và nguồn gốc thiên nhiên. Cụ thể:
- Hiệu quả điều trị (25,1%)
Người dùng đánh giá cao hiệu quả "từ từ nhưng bền vững" của Đông Y – giúp cải thiện tình trạng sức khỏe mà không gây mệt mỏi hay áp lực lên cơ thể. Đây là dạng hiệu quả phù hợp với triệu chứng không cấp tính nhưng ảnh hưởng dài hạn đến chất lượng sống. - An toàn – lành tính (16,4%)
Đông Y được ưa chuộng nhờ khả năng sử dụng lâu dài, phù hợp cho cả gia đình. Các mô tả như "không hại gan thận", "không gây mệt", "dùng thường xuyên không lo tác dụng phụ" xuất hiện với tần suất cao trong thảo luận người dùng. - Nguồn gốc thiên nhiên – quen thuộc – dễ tin (14,9%)
Thành phần có nguồn gốc thảo dược quen thuộc như chanh, gừng, mật ong, cam thảo tạo cảm giác tin cậy. Niềm tin này được củng cố bởi kiến thức dân gian và trải nghiệm thực tế trong gia đình qua nhiều thế hệ.
Với cùng nhóm bệnh, người dùng bày tỏ lo ngại về hai vấn đề khi sử dụng thuốc Tây Y:
- Lờn thuốc, giảm hiệu quả sau thời gian dài sử dụng
- Tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến gan, thận hoặc hệ tiêu hóa
Những yếu tố này khiến người dùng cân nhắc nhiều hơn, đặc biệt khi điều trị các vấn đề kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
Dù Đông Y được đánh giá tích cực, người dùng vẫn đặt ra kỳ vọng rõ ràng cho sản phẩm: giữ lành tính, tăng tiện dụng, nâng chuẩn niềm tin.
- Thành phần an toàn, tự nhiên – phù hợp với cả bệnh nghiêm trọng và không nghiêm trọng
- Khả năng điều trị tận gốc, hỗ trợ phục hồi sau ảnh hưởng của thuốc Tây
- Hình thức dễ dùng, dễ uống, dễ tin – không gây bất tiện như các bài thuốc truyền thống
Như vậy, người dùng không chỉ tìm kiếm giải pháp lành tính, mà còn mong muốn Đông Y hiện đại nâng chuẩn trải nghiệm: kết hợp giữa giá trị truyền thống và sự tiện lợi – tin cậy của y học hiện đại.
1.4. Cảm xúc người dùng tái khẳng định xu hướng ưu tiên cảm giác an toàn và tự nhiên
Nhìn từ khía cạnh sắc thái cảm xúc thảo luận, sự khác biệt Đông-Tây Y cốt lõi không chỉ ở khả năng chữa trị, mà còn ở trải nghiệm cảm xúc của người dùng.
- Với Đông y: Thảo luận mang cảm xúc tích cực vượt trội (67.1%), gắn liền với các từ khóa: “dễ chịu”, “không mệt”, “an tâm”, “khỏe từ bên trong”, “không lo tác dụng phụ”.
- Với Tây y: Cảm xúc bị chi phối bởi những lo ngại về trải nghiệm tiêu cực: “hại gan thận”, “lờn thuốc”, “nóng trong người” và nỗi lo về tác dụng phụ lâu dài.
Rõ ràng, người dùng không phủ nhận vai trò của Tây y trong các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, họ ngày càng không sẵn lòng "đánh đổi" sức khỏe dài hạn để lấy hiệu quả tức thời. “Cảm giác an toàn” đã trở thành một yếu tố có sức nặng tương đương, thậm chí còn được nhìn nhận tích cực (38.8% thảo luận) hơn so với yếu tố hiệu quả điều trị (20.1% thảo luận).

2. Tác động lan tỏa: Từ ngành Dược đến nhiều ngành hàng liên quan
Xu hướng tiêu dùng ưu tiên sản phẩm an toàn, lành tính và có nguồn gốc thiên nhiên không còn giới hạn trong ngành Dược phẩm, mà đang lan rộng sang nhiều lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe và đời sống hằng ngày.
Dữ liệu từ Euromonitor (2023) cho thấy thị trường chăm sóc tóc tự nhiên tại Việt Nam đã đạt quy mô gần 1 tỷ USD – phản ánh rõ nhu cầu làm đẹp gắn với chăm sóc lâu dài, an toàn.
Yếu tố “an toàn cho cả gia đình” – từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi – đang trở thành tiêu chuẩn tối thiểu khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Một trong những ví dụ điển hình là thương hiệu Nguyên Xuân – dầu gội từ thảo mộc – đã tạo ra sự bứt phá nhờ chiến lược định vị rõ ràng và bám sát insight người dùng.
2.1. Chiến lược truyền thông nhất quán “lành tính và an toàn”
Nguyên Xuân thành công vì đã kể một câu chuyện nhất quán, trực tiếp giải quyết những mong muốn mà chúng ta đã phân tích ở Phần 2:
- Nhấn mạnh sự an toàn: "Lành tính", "an toàn cho mẹ bầu", "không hóa chất mạnh".
- Sử dụng thành phần quen thuộc: Gừng, vỏ bưởi, hương nhu – những dược liệu dễ nhận biết, dễ tin tưởng.
- Tập trung vào trải nghiệm: "Dịu nhẹ", "dùng hàng ngày không lo khô tóc".
Những thông điệp này được người dùng lặp lại và xác nhận trong các thảo luận thực tế, tạo ra một vòng lặp tin tưởng vững chắc.
2.2. Từ “đúng insight” đến thành công trên sàn E-commerce

Dữ liệu của Buzzmetrics đã xác nhận chiến lược này mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt:
- Dẫn đầu thị phần thảo luận: Nguyên Xuân chiếm gần 50% thị phần thảo luận toàn ngành dầu gội (45,203 trên tổng số 91,000 thảo luận).
- Chuyển đổi thành hành động: Ghi nhận 1,726 lượt cân nhắc mua trong các thảo luận, phản ánh sự tin tưởng cao.
- Chinh phục sàn TMĐT: #1 ngành dầu gội trên các sàn E-commerce năm 2024 với GMV vượt 200 tỷ VNĐ
Thành công của Nguyên Xuân là minh chứng rõ ràng cho giá trị của việc nắm bắt đúng insight người dùng và chuyển hóa insight thành chiến lược truyền thông – sản phẩm nhất quán.
Kết hợp giữa yếu tố cảm xúc ("an toàn", "lành tính") và hiệu quả truyền thông thực chiến, thương hiệu đã không chỉ chiếm lĩnh niềm tin người dùng, mà còn chuyển hóa được thành kết quả kinh doanh rõ rệt.
KẾT LUẬN
Sự dịch chuyển trong hành vi người tiêu dùng – từ ưu tiên hiệu quả nhanh sang đề cao tính an toàn, lành tính và nguồn gốc tự nhiên – đang định hình lại không chỉ ngành Dược phẩm, mà còn lan tỏa mạnh mẽ sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Trải nghiệm cảm xúc tích cực, cảm giác “an tâm khi sử dụng” đang trở thành chìa khóa cạnh tranh mới, tạo lợi thế bền vững cho những thương hiệu hiểu và đáp ứng đúng mong đợi người dùng.
Thông tin bài viết