Theo dõi sức khỏe thương hiệu toàn diện trên social media: Ngân hàng HSBC qua góc nhìn social listening
Buzzmetrics tiếp tục thực hiện bài viết thứ 5 trong chuyên mục “Always-on Brand Tracker – Mỗi tuần một thương hiệu”. Tuần này Buzzmetrics sẽ phân tích ngân hàng HSBC và theo dõi sức khỏe thương hiệu của HSBC trên Social media.
Ngân hàng là một trong những ngành hàng dịch vụ nhận được nhiều sự quan tâm; do đó, các phản hồi của người tiêu dùng là rất quan trọng trong việc xác định hình ảnh thương hiệu hay ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dùng khác. Chính vì thế, các ngân hàng cần nắm bắt được các thông tin trên social media nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và xử lý kịp thời các thông tin tiêu cực để tránh các khủng hoảng truyền thông xảy ra.
Buzzmetrics tiếp tục thực hiện bài viết thứ 5 trong chuyên mục “Always-on Brand Tracker – Mỗi tuần một thương hiệu”, gồm các bài tổng hợp, phân tích và theo dõi sức khỏe một cách toàn diện trên social media cho từng thương hiệu cụ thể đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.Bài viết tuần này sẽ theo dõi một cách toàn diện sức khoẻ thương hiệu ngân hàng HSBC trên social media trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 – 30/06/2016.
A. Người tiêu dùng đang nói gì về HSBC và đối thủ cạnh tranh trên social media? – Module BRAND HEALTH
TỔNG QUAN VỀ NGÀNH HÀNG NGÂN HÀNG TRÊN SOCIAL MEDIA
Trong nhóm ngân hàng nước ngoài, ANZ, HSBC và Citibank là 3 ngân hàng được nhắc đến nhiều nhất trên social media do có nhiều chương trình ưu đãi liên kết với các nhà bán lẻ và thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, lượng bài viết và thảo luận tạo ra trên social media của các ngân hàng nước ngoài ít hơn hẳn so với các ngân hàng trong nước do ngân hàng trong nước có các hoạt động tích cực trên fanpage và các chương trình hấp dẫn như sự kiện tri ân, sự kiện âm nhạc,...
THẢO LUẬN VỀ THƯƠNG HIỆU HSBC TRÊN SOCIAL MEDIA
- Xu hướng thảo luận:
Lượng thảo luận về HSBC tăng cao vào các tháng 1, tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2016 do có các chương trình ưu đãi diễn ra, đặc biệt là các ưu đãi trả góp 0% cho sản phẩm điện tử tiêu dùng. Ngoài ra, các thông tin bên lề về Chris Khoa - Chàng trai gốc Việt nhận được lời mời làm việc từ những thương hiệu lớn trong đó có HSBC cũng thu hút sự chú ý trên social media.
- Lượng thảo luận và chỉ số cảm xúc hàng tháng:
Trong nửa năm đầu 2016, tình hình thảo luận của HSBC tăng cao vào tháng 4 và kéo dài đến tháng 6 do những chương trình ưu đãi và các thông tin bên lề liên quan đến Hồ sơ Panama, Chris Khoa. Ngoài ra, có nhiều phản hồi về việc Bộ phận chăm sóc khách hàng không hỗ trợ tốt và Phí dịch vụ cao khiến chỉ số cảm xúc trong 6 tháng của HSBC khá thấp.
Chỉ số cảm xúc = (Lượng thảo luận Tích cực – Lượng thảo luận Tiêu cực) / (Lượng thảo luận Tích cực + Lượng thảo luận Tiêu cực)
Chỉ số cảm xúc có giá trị từ -1 đến 1, giá trị càng cao thể hiện mức độ được yêu thích càng cao.
- Phản hồi của người tiêu dùng về ngân hàng trên social media:
Có nhiều ưu đãi là ý kiến tích cực được nhắc đến nhiều nhất trên social media. Trong đó, có một bộ phận người tiêu dùng mong muốn mở tài khoản tín dụng để được sử dụng các ưu đãi này. Ngoài ra, HSBC cũng được tin tưởng về sự Uy tín và Mức độ bảo mật cao do là ngân hàng nước ngoài nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, có nhiều máy ATM là một lợi thế lớn của HSBC so với các ngân hàng nước ngoài khác.
Tuy nhiên, có một số phản hồi không hài lòng về Phí dịch vụ quá cao hoặc không hợp lý. Ngoài ra, Bộ phận chăm sóc khách hàng không hỗ trợ nhiệt tình và Thái độ nhân viên không tốt cùng là hai ý kiến tiêu cực đáng chú ý.
- Nhìn nhận của người tiêu dùng về hình ảnh ngân hàng
Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài đều có các chương trình ưu đãi dành cho thẻ tín dụng. Trong đó, HSBC và ANZ là hai ngân hàng có nhiều ưu đãi nhất và nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Do đó, trong bài viết này sẽ tập trung so sánh về thương hiệu HSBC và đối thủ cạnh tranh ANZ.
Trên social media, HSBC và ANZ được người tiêu dùng nhìn nhận là hai ngân hàng có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn hơn các ngân hàng nước ngoài khác. Bên cạnh đó, HSBC còn được nhận xét là một ngân hàng uy tín trong khi ANZ được xem là một ngân hàng có thủ tục nhanh chóng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng có các nhìn nhận tiêu cực về ANZ khi họ cho rằng ngân hàng này có phí dịch vụ cao.
B. Trong 6 tháng đầu năm 2016, HSBC và ANZ có những chương trình ưu đãi gì trên social media và hiệu quả của từng chương trình như thế nào? – Module CAMPAIGN TRACKING
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các hoạt động của HSBC và ANZ trên social media chủ yếu tập trung vào sản phẩm thẻ tín dụng, với sự liên kết thực hiện các chương trình ưu đãi hấp dẫn cùng các nhà bán lẻ và thương hiệu nổi tiếng như: FPT Shop, Cellphones, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, Lazada, Tiki,...
Mặc dù không có nhiều hoạt động trên fanpage nhưng lượng bài viết và thảo luận của HSBC vẫn cao hơn ANZ do sự liên kết với nhiều thương hiệu. Bên cạnh đó, ưu đãi trả góp 0% các sản phẩm điện tử tiêu dùng thu hút được sự chú ý lớn của người tiêu dùng, đặc biệt trong các khoảng thời gian ra mắt các dòng điện thoại mới của Samsung, Apple hay Xiaomi.
C. HSBC đã gặp khủng hoảng truyền thông hay tin tức tiêu cực gì trong 6 tháng đầu năm 2016? – Module CRISIS ALERT
Trong 6 tháng đầu năm, HSBC gặp phải 3 khủng hoảng truyền thông; trong đó có 2 cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề tin tặc tấn công ảnh hưởng tới sự bảo mật của ngân hàng. Vụ việc hồ sơ Panama (Tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ) tuy ảnh hưởng tới ngân hàng HSBC ở nước ngoài và được thảo luận khá nhiều ở Việt Nam nhưng thái độ của người tiêu dùng không quá tiêu cực. Do đó, bài viết này chỉ phân tích ý kiến của người tiêu dùng trong 2 lần có thông tin tiêu cực về việc tin tặc tấn công.
Nhìn chung, phản hồi của người tiêu dùng thể hiện thái độ rõ nhất vềvụ việc "Mất tiền trong tài khoản HSBC do bị tin tặc hack facebook" xảy ra trong khoảng đầu tháng 4/2016. Trong cuộc khủng hoảng này, mặc dù HSBC không phải là nguyên nhân nhưng vẫn nhận phải các ý kiến tiêu cực thể hiện sự không hài lòng với cách xử lý của ngân hàng và cách trả lời của nhân viên khi người dùng hỏi về sự cố; đồng thời, cũng có nhiều ý kiến trung lập xoay quanh vấn đề bị hack facebook và khuyên mọi người cẩn thận. Bên cạnh đó, vẫn có một số ít người tiêu dùng tin tưởng vào ngân hàng và cho rằng HSBC sẽ giải quyết tốt khủng hoảng.
D. Hoạt động của các ngân hàng và mối quan tâm của người tiêu dùng về thẻ tín dụng ? - Module INDUSTRY TRENDSPOTTER
Trên đây là những phân tích và theo dõi sức khỏe thương hiệu ngân hàng HSBC trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016. Tiếp theo, nhằm giúp thương hiệu thuộc ngành ngân hàng cập nhật trào lưu trên mạng xã hội, đưa ra những nhận định về nhu cầu mới mà các ngân hàng có thể tận dụng, bài viết sẽ cập nhật về phương thức marketing nổi bật của các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam nói chung trong thời gian 1 năm qua (từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2016)
SỰ KIỆN ÂM NHẠC LÀ PHƯƠNG THỨC MARKETING ĐƯỢC NHIỀU NGÂN HÀNG ÁP DỤNG VÀ THÀNH CÔNG
Việc tổ chức các chương trình âm nhạc không phải là mới nhưng đã được nhiều ngân hàng áp dụng và thành công. Điều này không chỉ giúp ngân hàng nhận được sự chú ý lớn trên social media mà còn tạo sự kết nối với người tiêu dùng. Cụ thể, sự kiện âm nhạc Countdown party của VPBank nhận được đánh giá là một trong những sự kiện âm nhạc hoành tráng dành cho mọi người được tổ chức vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, Khoảng Khắc Vô Giá của Vietinbank cũng tạo được sự tương tác và kết nối với fan của các ca sĩ khi tổ chức minigame tặng chữ ký thần tượng trên Facebook fanpage của mình.
CÁC CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT ƯU ĐÃI VỚI THẺ TÍN DỤNG THU HÚT SỰ CHÚ Ý LỚN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Theo thống kê thảo luận trên social media từ Buzzmetrics, các liên kết ưu đãi với Dịch vụ phương tiện đi lại (hàng không, taxi) tạo ra nhiều bài viết và thảo luận nhất. Cụ thể, những bài đăng về chương trình ưu đãi liên kết của các ngân hàng với hãng hàng không Vietjet thu hút nhiều tương tác trên mạng xã hội, đặc biệt trong các dịp hè và lễ Tết - các khoảng thời gian người tiêu dùng có nhu cầu đi lại nhiều nhất.
Bên cạnh đó, chương trình liên kết ưu đãi với 2 ngành hàng Điện tử tiêu dùng và Thời trang là cũng là hai mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Đáng chú ý, với mong muốn sở hữu các sản phẩm mới nhưng bị giới hạn về mặt tài chính, ưu đãi trả góp 0% các sản phẩm điện tử tiêu dùng thu hút sự chú ý lớn của người dùng, đặc biệt trong thời gian các sản phẩm mới được ra mắt.
Ngoài các bài đăng giới thiệu về các chương trình liên kết trên fanpage, các ngân hàng còn tổ chức các minigame để tăng độ nhận biết về các ưu đãi cũng như các thương hiệu đang có liên kết với mình và được nhiều người hứng thú tham gia.
Thông tin bài viết