“Seeding” Trên Mạng Xã Hội: Tối Ưu Hiệu Quả Hoạt Động Social Marketing Của Thương Hiệu
Mỗi năm, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của vô số chiến dịch quảng cáo mới. Để đảm bảo sự cạnh tranh và thu hút lòng tin từ khách hàng, việc tích hợp seeding trở thành một phần không thể thiếu trong mọi chiến lược social marketing.
Seeding trở thành một chiến lược phủ sóng rộng rãi từ khắp các nền tảng mạng xã hội đến các diễn đàn chuyên ngành. Seeding có thể giúp tăng cường nhận thức về thương hiệu, tạo ra sự quan tâm và tương tác tích cực từ cộng đồng. Tuy nhiên, nếu không được triển khai một cách khéo léo và có chiến lược, seeding cũng có thể gây mất lòng tin từ phía người tiêu dùng và làm giảm chất lượng của chiến dịch.
Để giúp bạn hiểu thêm cách vận hành của seeding và ảnh hưởng của nó đối với chiến dịch marketing trên mạng xã hội, hãy cùng Buzzmetrics đi qua bài phân tích chi tiết sau.
I. Seeding trên Mạng xã hội là gì?
1. Định nghĩa:
Trong thuật ngữ tiếng Anh, "Seeding" có thể dịch đơn giản là "gieo mầm". Nếu bạn tưởng tượng nội dung của mình như một hạt giống, thì việc lan truyền cần được chăm sóc và quan tâm giống như quá trình gieo và chăm sóc cây cho đến khi có trái chín. Để đạt được thành công, nội dung cần được phát tán một cách “thông minh”, đảm bảo rằng thông điệp của bạn có thể tạo ấn tượng đúng với đối tượng mục tiêu.
Những người "gieo mầm" - seeder, có thể là những chuyên gia, người có sức ảnh hưởng hoặc thậm chí là người tiêu dùng bình thường. Seeding trên Mạng xã hội (Social) là phương thức lan truyền thông điệp hoặc thông tin bằng cách tạo ra nội dung thảo luận hoặc bình luận qua nhiều kênh như các nhóm, trang Fanpage, bài viết quảng cáo, video clip, đánh giá đề xuất, và nhiều hình thức khác.
2. Vai trò của seeding đối với hoạt động thương hiệu:
Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của seeding ngày nay là minh chứng cho những đóng góp quan trọng mà phương thức này mang lại cho thương hiệu. Đầu tiên, seeding giúp điều hướng hành vi tiêu dùng bằng cách cung cấp nội dung trải nghiệm đáng tin cậy và kích thích sự tò mò. Phương pháp này nhắm đến tâm lý đám đông, sử dụng người làm mẫu để tạo động lực cho đối tượng mục tiêu khác đưa ra “hành động”. Thêm vào đó, seeding mở rộng góc nhìn đa chiều trong cộng đồng người dùng về các vấn đề hay sự kiện đang diễn ra. Ví dụ, sản phẩm X ban đầu có vẻ chỉ có công dụng A, nhưng thông qua seeding, nó giúp người tiêu dùng khám phá thêm các công dụng BCD và thậm chí gợi lên nhu cầu mà họ có thể chưa từng nghĩ đến trước đây.
Thứ hai, seeding như một "virus" giúp truyền tải rộng rãi thông điệp truyền thông vô cùng nhanh chóng trên mạng xã hội. Từ các bình luận, đánh giá, người ta dần biết đến thương hiệu nhiều hơn. So với truyền miệng truyền thống, seeding trên không gian mạng xã hội tập trung vào việc sáng tạo ra nội dung đánh giá và phân tích, tạo ra cái nhìn khách quan và tạo ra sự hứng thú về sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn và tăng cơ hội lên top trên các công cụ tìm kiếm, thu hút lượng lớn traffic.
Cuối cùng, mục tiêu cuối cùng sau khi xây dựng chiến lược seeding là thúc đẩy doanh số bán hàng. Seeding có thể thu hút lượng lớn khách hàng thông qua bài viết hay nội dung quảng cáo có nhiều tương tác và độ uy tín cao, thay vì những nội dung bình thường ít được chú ý. Với số lượng người dùng lớn trên mạng xã hội và lượng bài đăng khổng lồ, seeding trở thành biện pháp “chống trôi” bài rất hiệu quả.
II. Các phương pháp seeding thường được sử dụng
Việc nhìn nhận và xác định đúng phương pháp seeding là yếu tố quan trọng để đảm bảo chiến dịch marketing của thương hiệu được nổi bật trong biển thông tin ồn ào. Seeding tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu và đối tượng mà doanh nghiệp hướng đến. Một số hình thức Seeding phổ biến hiện nay bao gồm:
- Seeding thông qua Cộng Đồng Influencers: Tận dụng sức ảnh hưởng và uy tín của những người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải đến tới cộng đồng người theo dõi của họ, góp phần tạo ra xu hướng tiêu dùng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
- Seeding thông qua nội dung hỏi đáp và tư vấn: Tạo ra những chủ đề dễ chia sẻ hoặc tạo ra các bình luận hỏi đáp về sản phẩm để thu hút sự chú ý và tò mò từ người đọc. Từ đó, khéo léo tích hợp thông tin về sản phẩm/dịch vụ mà thương hiệu cung cấp.
- Seeding qua nội dung trải nghiệm: Chia sẻ nội dung mang tính trải nghiệm, đánh giá thực tế nhằm củng cố độ uy tín và chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
- Seeding là người đặt hàng: Đây là một dạng seeding giúp doanh nghiệp dễ dàng điều hướng khách hàng thực hiện các hành động mong muốn, chẳng hạn như để lại thông tin liên hệ để đặt hàng hoặc đặt câu hỏi đối với doanh nghiệp.
III. Thái độ mạng xã hội mỗi khi nói về “Seeding”
Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích mà seeding mang lại, nhưng việc triển khai nó một cách quá mức "lộ liễu" có thể dẫn đến một hiện tượng phản ứng ngược từ phía người dùng. Các hậu quả của sự lạm dụng này không chỉ đơn thuần là mất mát về hiệu suất của chiến lược seeding, mà còn là việc tạo ra một thái độ "anti" đối với mọi thứ liên quan đến seeding.
Những ý kiến tích cực từ người dùng thường là kết quả của sự thành công seeding trong việc thu hút sự chú ý và quan tâm. Seeding hiệu quả và khéo léo thường tạo ra nội dung tự nhiên, có câu chuyện và gây ấn tượng tích cực với những thông tin hữu ích, không trùng lặp. Người dùng thường khen ngợi về sự sáng tạo, tính tương tác, và khả năng lan truyền của nội dung.
Ngược lại, những ý kiến chê bai có thể là kết quả của việc seeding lặp đi lặp lại những thông tin “máy móc”, không có sự hữu ích, những chia sẻ hời hợt và nhàm chán. Những “seeding” gây ra tâm lý tiêu cực này có thể ảnh hưởng đáng kể đến độ tin cậy của chiến dịch cũng như ảnh hưởng uy tín của thương hiệu.
Với người dùng MXH tại Việt Nam, cụm từ “chạy seeding” không còn quá xa lạ. Một số chiến dịch truyền thông sử dụng lượng lớn tài khoản ảo (nick clone) cho việc seeding số lượng lớn trong nhiều bài đăng. Thay vì là những nội dung mang tính “ươm mầm” định hướng, seeding lại trở thành một “rừng cây” comment ảo. Lượng bình luận seeding đôi khi còn gấp 5-6 lần nội dung bình luận của người dùng thật sự. “Vật cực tất phản”, nguyên lý tương tự khiến người dùng nghi ngờ, thậm chí là phản ứng tiêu cực với thương hiệu.
IV. Seeding thế nào là đúng và đủ?
Việc seeding có vẻ dễ dàng vì nó được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải tất cả các chiến dịch seeding đều thành công. Nếu không tuân theo một kế hoạch hợp lý thương hiệu có thể thất bại vì sự “nhiễu” thông tin do seeding gây ra.
Để tận dụng tối đa những công dụngmà chiến dịch seeding mang lại, thương hiệu có thể xem xét những vấn đề sau:
(1) Xác định mục tiêu: Đặt ra mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được cho chiến dịch seeding, như là tăng nhận thức về thương hiệu, tăng tương tác trên mạng xã hội, hoặc thậm chí là tăng doanh số bán hàng. Định rõ sự thay đổi cần đạt được trong dư luận và truyền thông như thế nào.
(2) Xác định đối tượng và kênh phù hợp: Xác định nền tảng mạng xã hội mà đối tượng mục tiêu của bạn thường sử dụng và tìm hiểu vì sao họ chọn lựa những mạng xã hội đó. Phân tích loại nội dung mà họ tương tác nhiều nhất và sau đó lựa chọn “địa điểm” phù hợp để thả hạt giống seeding, xây dựng nội dung phù hợp với mục tiêu chiến dịch. Chẳng hạn, nếu chọn cách seeding bằng bình luận, hãy lựa chọn nội dung thảo luận liên quan mật thiết tới chủ đề, để hoạt động seeding thực sự đạt hiệu quả tiếp cận đúng đối tượng chiến dịch hướng tới.
(3) Chuẩn bị kịch bản seeding chuẩn chỉnh: Mục tiêu là seeding phải diễn ra tự nhiên nhất - Seeding như không seeding. Seeding hiệu quả đồng nghĩa với việc tạo ra nội dung seeding sao cho thật chân thật, dễ hiểu thay vì cứng nhắc hoặc sử dụng các công cụ thả nội dung lặp đi lặp lại. Chất lượng bài viết/bình luận seeding đóng vai trò quan trọng, vì khi chất lượng tốt, người đọc vẫn chấp nhận mặc dù biết đó là seeding và có khả năng chuyển đổi hành vi tiêu dùng. Để kịch bản seeding diễn ra hoàn hảo nhất, thì nội dung cần:
- Hạn chế bình luận “công nghiệp” vô tội vạ: Tránh sử dụng những bình luận như "Tuyệt quá chị, :)))))", “sticker” hay “Emoji” hoặc thậm chí là một nội dung lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể bị Facebook ẩn do giống spam.
- Sử dụng chiến lược kết hợp khen và chê: Thay vì tập trung chỉ vào những điểm tích cực hoặc tiêu cực về sản phẩm/dịch vụ, chiến lược seeding nên tạo ra bài viết hay đánh giá kết hợp cả những điểm mạnh và yếu, giúp tăng tính chân thực và tin cậy.
- Tận dụng sự đồng cảm và Storytelling: Tạo ra những câu chuyện liên quan đến trải nghiệm sử dụng sản phẩm, chia sẻ cảm nghĩ và kinh nghiệm cá nhân. Đây là loại bài viết seeding có khả năng dễ dàng kết nối với người đọc và tạo ra ảnh hưởng tích cực vì tính thực tế mà nó mang lại.
- Sử dụng tài khoản thật khi seeding: Người “gieo mầm” thông minh, sẽ biết cách nuôi dưỡng cho mầm của mình thật chất lượng. Như việc sử dụng các tài khoản, trang có tương tác hoặc hoạt động online như một tài khoản của người dùng thật. Câu từ seeding được đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện đúng sự quan tâm với chủ đề thảo luận được tạo ra.
- Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng: Hãy cố gắng đảm bảo lượng nội dung seeding của chiến dịch không “nhấn chìm” những thảo luận, bài viết và ý kiến thực tế của người dùng thật.
(4) Theo dõi hiệu suất và dùng các chỉ số đánh giá đo lường: Đánh giá hiệu suất thông qua số liệu cụ thể và mục tiêu tương ứng. Kiểm tra các chỉ số như lượng truy cập trang web, thay đổi trong tương tác của đối tượng mục tiêu, và tỷ lệ chuyển đổi. Đặc biệt, khi cần đánh giá chất lượng chiến dịch và hiểu rõ insight của người dùng, thương hiệu cần quan tâm đến các chỉ số đo lường hiệu quả khi có và không có seeding, loại bỏ các nội dung, thảo luận seeding khi phân tích để tránh việc đưa ra các kết luận không chính xác vì bị seeding gây “nhiễu”.
Giả sử, một chiến dịch thương hiệu A đang gặp phải tình trạng tiêu cực (negative sentiment) từ phía người dùng. Để cải thiện tình hình, thương hiệu quyết định triển khai chiến dịch seeding trên các mạng xã hội để thay đổi đánh giá của người dùng. Sau khi seeding được triển khai, thương hiệu sử dụng metrics để đo lường lại buzz volume và đánh giá sentiment của người dùng (trừ các nội dung seeding). Kết quả cho thấy có sự tăng đáng kể trong sentiment tích cực, điều này chứng minh rằng chiến dịch seeding không chỉ thu hút sự chú ý mà còn góp phần tích cực vào việc cải thiện cảm nhận của người dùng đối với thương hiệu. Điều này làm thấy rõ hiệu quả của chiến lược seeding trong việc thay đổi và quản lý tình trạng tích cực của chiến dịch quảng cáo.
Cuối cùng, hãy biết thế nào là "đúng" và "đủ". Hiểu rõ về bản chất seeding, những tác động mà nó mang lại và biết áp dụng một cách thích hợp sẽ giúp đảm bảo seeding hiệu quả và giúp bảo vệ thương hiệu khỏi những rủi ro, duy trì sự tin tưởng của cộng đồng mạng.
V. Kết luận
Với thực trạng ngày nay seeding đã trở thành một chiến lược quảng bá không thể thiếu, đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho những chiến dịch marketing. Việc đánh giá chất lượng chiến dịch thực tế và cân bằng giữa việc lọc seeding trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và sự xuất hiện của các chỉ số mới như Duplication và Audience Score từ Buzzmetrics trong thời gian tới sẽ là bước tiến quan trọng trong hành trình này. Những chỉ số này không chỉ giúp chúng ta đo lường hiệu quả chiến dịch một cách chi tiết và minh bạch, mà còn là cơ hội để tối ưu hóa seeding, bảo vệ thương hiệu và tạo ra những chiến dịch chất lượng. Liên hệ ngay với Buzzmetrics để cập nhật thông tin tư vấn về những giải pháp social listening tối ưu nhất!
Thông tin bài viết