Mạng xã hội phát triển như thế nào (P1) – Ồn ào hơn bao giờ hết
Với hơn 55 triệu Active User mới trên Facebook, Mạng xã hội phát triển ngày càng lớn mạng và ồn ào hơn bao giờ hết. Với mức độ tăng trưởng cao như vậy, Facebook chắc chắn sẽ tiếp tục là trang mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất, và có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến người tiêu dùng Việt Nam trong các năm tới.
Xem thêm:
Phần 2: Trưởng thành hóa Mạng xã hội
Phần 3: Sự phân khúc mạng xã hội
1. Mạng xã hội vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao
Theo thống kê của We are social, trong năm qua 2017, số lượng người dùng thực tế (Active social user) của Facebook tại Việt Nam là 55 triệu, trong khi đó con số này ở năm 2016 mới chỉ 46 triệu. Lượng active social user của Facebook Việt Nam tăng nhiều hơn 9 lần so với lượng tăng dân số trong năm qua.
Với mức độ thâm nhập và tốc độ tăng trưởng cao như vậy, Facebook chắc chắn sẽ tiếp tục là trang mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất, và có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến người tiêu dùng Việt Nam trong các năm tới.
2. Người dùng sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn.
Trong năm 2015, lượng người dùng thực tế của Facebook (Active social users) được ghi nhận bởi We are social là 35 triệu đến năm 2017 lên đến 55 triệu. Tuy nhiên, nếu xét về tổng lượng thảo luận, trong vòng từ 2015-2017, lượng thảo luận đã tăng lên từ 20 tỷ đến 55 tỷ
Như vậy, trong 2 năm từ 2015-2017, trong khi lượng người dùng chỉ tăng 57% thì lượng thảo luận tăng lên đến 175%, gấp hơn 3 lần. Trong năm 2018, Buzzmetrics ước tính tổng lượng thảo luận sẽ còn tăng cao gấp đôi so với năm 2017.
Các con số này cho thấy người dùng mạng xã hội ngày càng sẵn sàng lên tiếng hơn. Năm 2017, trung bình mỗi ngày, một người dùng mạng xã hội sẽ đóng góp 2,7 thảo luận trên mạng xã hội chứ không còn đơn thuần là lướt new feed để nhận thông tin một cách im lặng và một chiều. Và mức độ sẵn sàng lên tiếng của người dùng mạng xã hội năm 2017 tăng 50% so với 1 năm trước đó.
3. Mạng xã hội sẽ càng ồn ào hơn bao giờ hết
Mạng xã hội ngày càng thu hút được nhiều người dùng hơn, và mỗi người dùng lại sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn. Chính điều này đã làm cho tổng lượng thảo luận (Buzz volume) của toàn mạng xã hội tăng lên nhanh chóng và mạng xã hội ngày càng "ồn ào" hơn bao giời hết.
Theo ghi nhận của hệ thống theo dõi xu hướng mạng xã hội - Trendspotter của Buzzmetrics, trung bình 1 chủ đề nóng trong năm 2017 tạo ra lượng thảo luận gấp đôi so với năm 2016. Trung bình 1 chủ đề nóng trên mạng xã hội trong năm 2016 chỉ thu hút khoảng 155 nghìn lượt bài viết và thảo luận thì con số này đã tăng lên đến 300 nghìn vào năm 2017.
Cụ thể hơn, nhìn vào chủ đề Âm nhạc, một trong những chủ đề sôi động nhất trên mạng xã hội, lượng thảo luận trung bình 1 tháng về chủ đề này trên mạng xã hội đã tăng từ 1,1 triệu (2016) lên đến 2,3 triệu (2017).
Một ví dụ khác về nhóm các chủ đề về mối quan tâm của bạn gái, tổng lượng thảo luận trung bình trong 1 tháng của nhóm chủ đề này đã tăng 168% so với năm 2016. Hầu hết các chủ đề con đều có lượng thảo luận trung bình trong 1 tháng tăng, các mối quan tâm hàng đầu của các bạn gái còn đạt mức tăng ấn tượng lên đến hơn 200% so với chỉ 1 năm trước.
Sự phát triển của mạng xã hội vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho các thương hiệu
Cơ hội:
1. Khả năng lan truyền thông tin tăng lên - về cả tốc độ lan truyền và tầm ảnh hưởng
Nếu sản phẩm ấn tượng hay nội dung quảng cáo thực sự gây chú ý, người dùng sẽ sẵn sàng thể hiện mối quan tâm của họ và chia sẻ cho nhiều người khác giúp thương hiệu. Điều này giúp tốc độ lan truyền thông tin nhanh hơn và ảnh hưởng được đến nhiều người hơn.
Có thể thấy rất rõ điều này khi nhìn vào trường hợp của Biti's đầu năm 2018. Dòng sản phẩm The Red Snow - Phiên Bản Tự Hào, dành cho người hâm mộ U23 Việt Nam đã bán cháy hàng sau 3 tiếng mở bán chỉ nhờ vài bài đăng trên kênh Fanpage chính thức của thương hiệu (Link - Link). Điều này cho thấy hiệu quả của lan truyền thông tin trên mạng xã hội: tạo ra sự chú ý lớn và trực tiếp tạo ra doanh số bán hàng vượt trội trong thời gian ngắn.
Ngoài ra Chiến dịch Tết "Đi để trở về 2" của Biti's với những điều chỉnh kịp thời gắn kết với mối quan tâm lớn nhất vào thời điểm đó đã trở thành chiến dịch nổi bật nhất trên mạng xã hội vào tháng 1/ 2018, trong số hơn 100 chiến dịch đang chạy trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
2. Người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ/ phản hồi về sản phẩm dịch vụ - Cơ hội để Marketer hiểu người tiêu dùng hơn thông qua lắng nghe thảo luận giá trị từ mạng xã hội
Một ví dụ cho trường hợp này là sản phẩm Diana Sensi Cool Fresh. Sản phẩm này thuộc ngành hàng khá "nhạy cảm" và trong khảo sát thông thường không dễ để khuyến khích người tiêu dùng thoải mái chia sẻ suy nghĩ, thái độ, hành vi của họ về sản phẩm.
Điều thú vị khi nhìn vào dữ liệu người dùng trên mạng xã hội là có rất nhiều thảo luận đánh giá về sản phẩm này theo ngôn ngữ tự nhiên nhất của người dùng. Khai thác lượng dữ liệu này sẽ giúp các thương hiệu:
- Đánh giá chính xác mức độ yêu thích của người dùng: Cảm giác của vào "ngày ấy" không còn là các cụm từ như: "khó chịu", "mệt mỏi", "đau nhức" hay "căng thẳng", sản phẩm Diana Sensi Cool Fresh đã làm cho trải nghiệm của người dùng mỗi khi đến kỳ trở nên thoải mái và thú vị hơn. Nhiều người chia sẻ "chờ tới tháng", "mong tới tháng lẹ" để được sử dụng sản phẩm. Hơn thế nữa, còn có rất nhiều thảo luận nhắc tới việc "nghe mọi người nói nhiều quá/ vui quá/ lạ quá nên dùng thử".
- Khám phá nhu cầu mới của khách hàng: Rất nhiều thảo luận "hỏi thăm" về dòng băng vệ sinh ban đêm. Có lẽ vẫn đang còn nhiều cơ hội tăng trưởng dựa trên tìm hiểu nhu cầu người dùng mạng xã hội liên quan đến sản phẩm này.
- Khám phá đặc điểm quan trọng cho truyền thông: Trong khi các nội dung quảng cáo của Diana Sensi Cool Fresh tập trung vào đặc tính "siêu mát"... thì "mùi thơm" là một đặc tính khác không được tập trung truyền thông nhưng nhận được rất nhiều thảo luận tích cực trên mạng xã hội liên quan như: "thơm tự tin", "thơm sảng khoái", "thơm nức", "thơm dễ chịu"... Thương hiệu có thể cân nhắc tập trung nói về đặc tính này trên mạng xã hội để tăng sự hấp dẫn và chú ý với khách hàng mục tiêu.
Thách thức:
1. Khủng hoảng truyền thông dễ xảy ra và khi xuất hiện sẽ có chiều hướng phức tạp hơn, gây ảnh hưởng nặng nề hơn
Với lượng thảo luận lớn và tăng không ngừng như hiện nay, khủng hoảng truyền thông diễn ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp hơn. Theo nghiên cứu của Buzzmetrics, hiện nay có thể phân làm 3 loại khủng hoảng truyền thông theo mức độ nghiêm trọng tăng dần:
- Consumer crisis - Khủng hoảng nhỏ: Xuất hiện dưới dạng bài đăng của người dùng Facebook khi họ có ấn tượng xấu về thương hiệu. Trung bình 1 tháng có khoảng 300 sự việc. Kéo dài khoảng 3-5 ngày. Thường gặp ở các ngành Sữa, Hàng tiêu dùng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Bất động sản, Công nghệ.
- Spread crisis - Khủng hoảng cỡ vừa: Có sự lan truyền của các kênh khác như báo chí, diễn đàn, blog... Trung bình 1 tháng sẽ có 10 sự việc. Kéo dài khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng. Gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.
- Big crisis - Khủng hoảng lớn: Mức độ lan truyền rộng rãi. Tổn thất nặng nề đến thương hiệu và doanh thu. Trong năm 2017, có 5 vụ khủng hoảng lớn. Trung bình kéo dài trên 2 tháng. Đặc biệt dạng khủng hoảng này thường âm ỉ một thời gian dài và dễ bùng phát trở lại. Cần theo dõi thường xuyên để kịp thời dập tắt.
Cách mà các thương hiệu thường dùng để chống lại khủng hoảng đó là ngăn chặn sớm - không để khủng hoảng xảy ra. Việc này đòi hỏi có sự theo dõi liên tục và phản ứng kịp thời để ngăn chặn sự bùng nổ quả bom khủng hoảng cũng như có những động thái sửa chửa kịp thời.
2. Mạng xã hội thay đổi nhanh hơn và khó nắm bắt hơn. Vì thế, các kế hoạch truyền thông trên mạng xã hội được chuẩn bị từ trước sẽ dễ bị "lạc hậu" so với mối quan tâm của người dùng
Có thể nhìn vào bài học điển hình của các chiến dịch Tết 2018 bị ảnh hưởng bởi cơn bão Fad topic U23 Việt Nam. Sau chiến thắng của U23 Việt Nam, mối quan tâm của cộng đồng mạng thay đổi làm cho toàn bộ nội dung thảo luận xoay chiều.
Các thương hiệu đứng trước hai sự lựa chọn: "nhanh chóng linh động thay đổi kế hoạch truyền thông" hoặc "im lặng chờ đợi cơn bão đi qua". Dù thương hiệu lựa chọn như thế nào thì một điều chắc chắn là "Mối quan tâm cũng người tiêu dùng có thể thay đổi nhanh chóng bất cứ lúc nào. Nếu không "cùng chung tiếng nói" với người tiêu dùng, chắn chắn các nỗ lực truyền thông của thương hiệu sẽ không tạo được sự chú ý lớn dù có cố gắng chi nhiều ngân sách hơn".
Xem thêm: Ảnh hưởng của Fad topic đến toàn bộ social media và các chiến dịch Tết
Tạm kết cho phần 1:
Lượng dữ liệu thảo luận người dùng ngày càng lớn với rất nhiều cơ hội cũng như thách thức dành cho các thương hiệu, khi mà người dùng tiếp xúc với thông tin trên mạng xã hội mỗi ngày, chắc chắn họ sẽ bị ảnh hướng ít nhiều bởi các chiều hướng thảo luận của những người dùng khác. Để tận dụng được hết tiềm năng cũng như kiểm soát lượng dữ liệu này, hơn khi nào hết thương hiệu cần nắm rõ và phân tích lượng dữ liệu tăng không ngừng này, nhằm đưa ra các hành động điều hướng dư luận thích hợp, nhanh chóng để có thể chạm đến trái tim khách hàng qua các màn hình.
Thông tin bài viết