Khủng hoảng truyền thông thay đổi như thế nào trong 4 năm qua
Khủng hoảng truyền thông luôn là cơn ác mộng đối với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Bởi vì bất kì một thông tin tiêu cực nào xuất hiện trên mạng xã hội thì đều có khả năng gây hại đến danh tiếng và hoạt động kinh doanh của thương hiệu. Báo cáo tổng hợp của Buzzmetrics về sẽ giúp marketers hiểu hơn về tổng quan cách khủng hoảng truyền thông diễn ra trên mạng xã hội, tầm ảnh hưởng của nó & sự thay đổi theo thời gian.
Khủng hoảng truyền thông luôn là cơn ác mộng đối với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Bởi vì bất kì một thông tin tiêu cực nào xuất hiện trên mạng xã hội thì đều có khả năng gây hại đến danh tiếng và hoạt động kinh doanh của thương hiệu. Báo cáo tổng hợp của Buzzmetrics sẽ giúp marketers hiểu hơn về tổng quan cách khủng hoảng truyền thông diễn ra trên mạng xã hội, tầm ảnh hưởng của nó & sự thay đổi theo thời gian.
1. Khủng hoảng truyền thông - giảm về số lượng, nhưng tăng về quy mô
Năm 2022 ghi nhận 85 cuộc khủng hoảng truyền thông với khoảng 5 triệu thảo luận được tạo ra. So với thời điểm 2019, số lượng cuộc khủng hoảng đã giảm xuống đáng kể, điều này cho thấy các thương hiệu đang có xu hướng quản lý tốt hơn thảo luận tiêu cực mạng xã hội cũng như hạn chế rủi ro khủng hoảng truyền thông.
Tuy nhiên, tổng lượng thảo luận tạo ra trung bình cho 1 khủng hoảng tăng gấp 2-3 lần so với trước đó (2019 và 2020) & chưa có dấu hiệu suy giảm. Điều này, cho thấy quy mô & tầm ảnh hưởng của khủng hoảng truyền thông ở giai đoạn hiện tại lớn hơn so với cách đây 2-3 năm rất nhiều.
Đặc biệt, bắt đầu xuất hiện các sự việc khủng hoảng truyền thông có thể tạo ra hơn 1 triệu thảo luận - được xem là quy mô rất lớn. Người dùng mạng xã hội hiện nay không chỉ theo dõi hoặc “chấm hóng” như trước đây, mà họ còn tham gia bàn luận từ đầu cho đến khi mọi việc được giải quyết rõ ràng. Từ đó làm tăng số lượng thảo luận và quy mô khủng hoảng lên nhiều lần.
Thống kê trung bình trong 4 năm, 1 vụ khủng hoảng truyền thông thường kéo dài từ 3-20 ngày. Những vụ việc có liên quan đến pháp lý hoặc có tình tiết mới có thể kéo dài đến 1-2 tháng. Sự kéo dài và nhắc nhớ liên tục làm các vụ khủng hoảng có thể “khắc sâu” hơn vào tâm trí người dùng.
2. Hình thức khủng hoảng ảnh hưởng tới mức độ tương tác của người dùng
Nhìn tổng thể 4 năm, chữ viết kèm ảnh minh họa là phương thức tạo ra nhiều thảo luận nhất nhờ đặc điểm dễ tải về và chia sẻ đi nơi khác. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, nhận thức của người dùng về vấn đề an ninh mạng ngày một phổ biến, khiến họ tìm cách né tránh sự “truy tìm” của các nhãn hàng. Với tâm lí đó, việc không nhắc trực tiếp tên thương hiệu đã trở thành một quy tắc bất thành văn. Từ đó, người dùng phải đính kèm thêm hình ảnh hoặc video để minh họa thêm thông tin, khiến lượng thảo luận từ bài viết sử dụng Multimedia (cả ảnh và video) tăng lên gấp 11 lần.
Ngoài ra, với sự phát triển của TikTok, người dùng mạng xã hội đã hình thành thói quen quay và xem video ngắn, thay vì video dài như livestream. Năm 2022, số lượng thảo luận đến từ các sự việc tạo ra bằng Video clip tăng gấp 5 lần so với 2 năm trước đó. Hơn 50% video tạo ra khủng hoảng truyền thông đều bắt nguồn từ TikTok, khiến nền tảng này dần trở thành nơi xảy ra nhiều vụ “bóc phốt” nhãn hàng.
3. Sự chuyển dịch từ các kênh cá nhân sang các trang cộng đồng
Quan sát của Buzzmetrics cho thấy: Sau 4 năm, kênh “bóc phốt” của người dùng cũng có những chuyển dịch lớn. Trang cá nhân, vốn là nơi diễn ra nhiều cuộc khủng hoảng nhất (chiếm 60% tổng khủng hoảng năm 2019), chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn 11% trong năm 2022, nhường vị trí dẫn đầu cho các trang cộng đồng.
Việc đăng tải trên trang cộng đồng giúp người dùng dễ tìm kiếm những người dùng khác có mối quan tâm, qua đó tạo sự chú ý với nhãn hàng. Bên cạnh đó, TikTok cũng đang trên đà trở thành nơi để người dùng “bóc phốt” nhãn hàng. Đặc trưng của video trên TikTok là có thể lan tỏa tới tất cả mọi người mà không cần nguồn đăng có lượt follow cao. Bất cứ user bình thường nào cũng có thể tạo ra “video xu hướng” và thu hút nhiều thảo luận. Từ đó, Tiktok đang dần trở thành kênh mạng xã hội mang đến rủi ro khủng hoảng truyền thông cao, cần chú ý để giảm thiểu tiêu cực cho nhãn hàng.
4. Sức mạnh của báo chí trong các cuộc khủng hoảng
80% cuộc khủng hoảng có sự lan truyền của báo chí và lượng thảo luận trung bình gấp 3 lần lượng thảo luận các cuộc khủng hoảng không có báo chí.
Vì sao khủng hoảng có báo chí lại tạo ra sự khác biệt đến thế?
Các nhà báo lấy thông tin từ các nguồn khủng hoảng, tiếp tục đào sâu, phỏng vấn bên liên quan để phát hiện tình tiết mới. Chưa kể lượng người xem & traffic cao của báo giúp vụ việc ngay lập tức có một lượng tiếp cận lớn (reach), từ đó, thu hút thêm sự chú ý từ người dùng.
Các thông tin báo chí tiếp tục được chia sẻ qua các nền tảng khác và thường sẽ trở về nơi đã phát sinh cuộc khủng hoảng, khiến các luồng tin cập nhật liên tục, sức nóng cuộc khủng hoảng được duy trì.
5. Khủng hoảng truyền thông không chừa một ngành hàng nào
4 năm qua đã ghi nhận khủng hoảng ở tất cả 32 ngành hàng. Các ngành hàng dễ bị tổn thương do khủng hoảng thường gắn liền với các quyền lợi, vấn đề lớn của con người (như các ngành Dược phẩm, Thực phẩm, Thức uống sẽ liên quan tới sức khỏe - tính mạng, hay các ngành Ngân hàng, Bất động sản liên quan tới tài sản).
Tuy nhiên, những ngành hàng khác cũng không miễn nhiễm hoàn toàn với khủng hoảng truyền thông. Trong năm 2021, ngành Thời trang may mặc đã phải đón nhận một cuộc khủng hoảng lớn do liên quan tới chủ quyền biển đảo. Các nhãn hàng hợp tác với người nổi tiếng trong bối cảnh người nổi tiếng đó gặp khủng hoảng cũng sẽ ít nhiều chịu sức ép từ người dùng.
6. Đối mặt với khủng hoảng truyền thông, các thương hiệu lựa chọn việc phát ngôn chính thức
Những năm gần đây, cách thương hiệu phản ứng trước khủng hoảng truyền thông cũng có sự thay đổi, khi ngày càng thương hiệu lựa chọn trực tiếp đối thoại với người dùng. Việc trực tiếp phản hồi (thay vì phát ngôn qua bên thứ 3/ âm thầm xóa bài viết gốc) phản ánh được sự nghiêm túc của nhãn hàng trong việc giải quyết vấn đề và ngăn chặn các luồng thông tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, vẫn có thương hiệu lựa chọn Im lặng để sự việc hạ nhiệt tự nhiên, đợi thảo luận lắng xuống và các chủ đề mạng xã hội khác vùi lắp tin cũ. Tuy nhiên, thương hiệu chỉ nên áp dụng phương pháp này khi yếu tố gây khủng hoảng không phải là các thuộc tính quan trọng, có tính quyết định đến quyết định chọn mua sản phẩm dịch vụ. Trong trường hợp khác, thương hiệu có thể quan sát xu hướng thảo luận khủng hoảng vào ngày thứ 3 tính từ lúc xuất hiện khủng hoảng. Nếu thảo luận có dấu hiệu đi xuống cho thấy đây là một cuộc khủng hoảng quy mô nhỏ, có khả năng tự kết thúc nếu không có tin tức mới.
7. Nguy cơ bùng nổ khủng hoảng đợt 2 tăng dần
Xử lý khủng hoảng nên là một quá trình kéo dài, có sự theo dõi kỹ lưỡng phản ứng của người dùng trên mạng xã hội. Lý do là vì ngay cả khi thương hiệu đã đưa ra phương hướng giải quyết, khủng hoảng vẫn có nguy cơ bùng phát đợt hai theo hai nguyên nhân chính:
(1) Xuất hiện các tình tiết mới trong cuộc khủng hoảng: khi có diễn biến mới, dư luận có thêm thông tin để tiếp tục thảo luận, nhất là các vụ việc liên quan đến tài sản-tiền bạc cần có thời gian giải quyết và phản hồi theo pháp lý. Trên cơ sở này, sau 1 làn sóng khủng hoảng, thương hiệu càng cần chú ý quan sát thật kỹ để tránh bùng phát đợt 2, chứ không nên lơ là, tin rằng rủi ro đã kết thúc
(2) Thông tin cũ nhưng được các trang hoặc người dùng có sức ảnh hưởng chia sẻ lại: Các tài khoản nổi bật, nhiều lượng follow và các dạng nội dung phân tích vụ việc/ phân tích khủng hoảng có thể khiến mức độ lan truyền tăng cao trở lại.
Tạm kết
Thống kê từ khủng hoảng truyền thông mạng xã hội bốn năm qua cho thấy một vài đặc trưng của các sự vụ trong giai đoạn hiện nay, nổi bật là (1) quy mô ngày càng lớn và thời gian diễn ra kéo dài hơn, (2) ngày càng có thêm nhiều kênh lan truyền khủng hoảng, với TikTok là nền tảng mới nổi, (3) khó có thể kiểm soát các tác nhân gây ra khủng hoảng (có thể xảy ra vì bất cứ lý do nào, không nằm trong phạm vi ngành hàng).
Để có thể đưa ra hướng giải quyết cho từng vụ việc, cần phải xem xét rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: (1) Các kênh lan truyền, (2) Mức độ tác động của báo chí, (3) Phản ứng của người dùng. Các công cụ Social Listening với khả năng theo dõi mạng xã hội 24/7 có thể hỗ trợ thương hiệu trong việc phân tích các yếu tố khủng hoảng cũng như mức độ rủi ro bùng phát đợt 2, và cùng thương hiệu tìm ra cách xử lý phù hợp trong từng thời điểm.
Với khả năng phân tích chuyên sâu và giám sát 24/7 các cuộc khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội, Buzzmetrics tự tin đem tới sự tư vấn tốt nhất cho các thương hiệu muốn kết nối với người dùng hiệu quả hơn. Liên hệ ngay với Buzzmetrics để hiểu thêm về cách áp dụng dữ liệu để quản trị truyền thông trên mạng xã hội.
Đăng ký nhận tư vấn miễn phí tại LINK
Thông tin bài viết