Các chương trình tạo được sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội thường có tính giải trí cao, mang đến nhiều khoảnh khắc bùng nổ cho người xem. Tiêu biểu có thể kể đến hai chương trình Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai từng gây bão trong suốt mùa hè 2024, bên cạnh đó là những chương trình trẻ trung khác như 2 Ngày 1 Đêm, Đảo Thiên Đường, Bạn Muốn Hẹn Hò,...Trong bối cảnh đó, dù không quá bùng nổ về lượng thảo luận, Mái Ấm Gia Đình Việt vẫn đều đặn góp mặt trong BXH BSI Top10 Shows. Điều gì đã thu hút người xem đến với chương trình này?
Mái ấm gia đình Việt là một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trên kênh HTV từ năm 2020, với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ những gia đình khó khăn sau đại dịch, sau đó mở rộng ra các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. Trong 4 tháng liên tiếp (từ tháng 06/2024 đến tháng 09/2024), chương trình đạt chỉ số cảm xúc tuyệt đối (Sentiment Score = 1.0) - một thành tích mà nhiều chương trình khác khó lòng đạt được. Vậy, một chương trình có độ tích cực 100% sẽ được khán giả thảo luận như thế nào? Quan sát chi tiết hơn, Buzzmetrics nhận thấy khán giả có bốn hướng thảo luận chính:
(1) Chia sẻ trải nghiệm bản thân: Tập 94 kể lại câu chuyện của bé Hoàng Anh Quang có bố mất sớm, bị mẹ bỏ rơi, được bà nội chăm sóc. Em đã nâng niu chiếc cặp suốt 05 năm được bố mua tặng nhân dịp năm học mới như một cách để nhớ đến bố.
Từ câu chuyện của bé Hoàng Anh Quang, nhiều khán giả không khỏi xúc động mà chia sẻ những trải nghiệm tương tự. Một tài khoản TikTok có tên Thanh Huyền kể nguyên văn như sau: “Vc a trai mình li hôn c dâu mình viết đơn k nuôi đứa nào. 1 đứa lớp 6 1 đứa vừa lên lớp 3t. Hoá ra đi cty ngoài Bắc Ninh có bạn trai ngoài đó. Giờ cháu đầu đã học 13 cháu t2 học lớp 6. Cháu lớp 6.”
(2) Gửi lời động viên tới gia đình khó khăn: Những đứa trẻ tham gia chương trình phải đối diện với sóng gió cuộc đời từ rất sớm, nên cách các em trả lời phỏng vấn cũng phản ánh sự chững chạc, nhẫn nại.
Tập 95 của chương trình mang đến câu chuyện về em Hoàng Văn Mạnh (11 tuổi), người dân tộc Tày. Bố em mất sớm, em sống cùng chị Hoàng Thị Mây (1985) - người mẹ bị câm điếc bẩm sinh nên chỉ làm nông trên 1 sào ruộng của gia đình. Đứng trước ống kính truyền hình, em là người phiên dịch cho mẹ, nói bản thân đã lớn rồi, có thể chăm sóc cho mẹ. Khi biết được Mạnh nhịn ăn đi học vì sợ mẹ không đủ tiền nuôi mình, nhiều người dùng đã phải thốt lên: “Có những đứa bé hiểu chuyện đến đau lòng”.
(3) Bày tỏ khao khát ủng hộ hoàn cảnh khó khăn: Tập 89 kể lại câu chuyện của bé Trần Bảo Ngọc Duy đang học lớp 6 tại Yên Bái. Bố em bị tai nạn mất năm 2018, người mẹ bỏ đi 3 tháng sau đó. Em sống cùng với ông bà và ba đứa em nhỏ. Ông nội của bé Duy mỗi ngày phải bóc vác ngô với số tiền công ít ỏi là 25.000 đồng một tấn ngô để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Một tài khoản TikTok có tên Đông Hoàng đã bình luận: “Mình muốn xin địa chỉ chính xác đầu tháng 7 này mình có lên Yên Bái, mình qua gửi ông bà và các cháu chút quà.” Một tài khoản TikTok khác là Hàn Mai Anh thắc mắc: “muốn ủng hộ các bé một chút thì làm thế nào ạ ?”
Chuyện của Duy, của Quang, của Mạnh chỉ là ba trong số hàng trăm câu chuyện được kể trong Mái ấm gia đình Việt. Ở mỗi tập phim, ở mỗi câu chuyện lại thu hút hàng nghìn bình luận cảm thông, biết ơn, chia sẻ. Có thể nói, chương trình được bao phủ hoàn toàn bởi màu sắc tích cực và đồng cảm từ phía khán giả.
Bên cạnh đó, còn có các bình luận (4) Gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ, MC dẫn chương trình và những khách mời: Tôn Hoa Sen đã đồng hành cùng nhiều chương trình ý nghĩa như Cặp Lá Yêu Thương hay Vượt Lên Chính Mình. Do đó, không quá khó để bắt gặp những bình luận bày tỏ sự biết ơn tới tập đoàn Hoa Sen vì tài trợ cho Mái Ấm Gia Đình Việt. Những người nổi tiếng nhận lời tham gia chương trình như Đức Phúc - Dương Hoàng Yến (tập 95) hay Phương Anh Đào - Quốc Thuận (tập 87) cũng được khán giả dành tặng nhiều lời khen vì sự giản dị, đóng góp về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình.
Theo quan sát của Buzzmetrics, chương trình duy trì lượng thảo luận tương đối ổn định theo từng tháng. Tháng 10/2024, chương trình lần đầu vượt mốc hơn 110 nghìn thảo luận với câu chuyện buồn về ba đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, khiến người anh phải nghỉ học để nhường cơ hội cho em gái nuôi ước mơ làm cô giáo. Dù thấp hơn so với các tháng còn lại nhưng tháng 05/2024 vẫn tạo ra được 31.438 thảo luận. Để làm được điều này, phải kể đến hệ thống gần 20 kênh truyền thông làm việc không ngừng nghỉ của nhà tổ chức chương trình.
Các kênh do thương hiệu sở hữu như Mái Ấm Gia Đình Việt, Nghệ Sỹ của Công Chúng, Dẫn Nguồn Hạnh Phúc,... đã tạo ra 522.727 thảo luận, chiếm 72% tổng thảo luận của chương trình trong khoảng thời gian nghiên cứu. Chủ yếu các bài đăng sẽ ghi lại những khoảnh khắc cảm động từ những người tham gia chương trình và thông báo thời gian biểu cho các tập phim sắp chiếu.
Lượng thảo luận còn lại chủ yếu đến từ:
(1) Các trang cộng đồng địa phương: Là các kênh không chỉ góp phần lan tỏa nội dung của thương hiệu mà còn phối hợp tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn để tham gia chương trình.
(2) Trang của các mạnh thường quân: Là những khán giả biết đến chương trình và trực tiếp hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Họ sẽ tự ghi hình lại hành trình ủng hộ và giúp đỡ.
(3) Trang liên quan tới người nổi tiếng: Bao gồm các trang của người nổi tiếng, trang đưa tin tức về người nổi tiếng và fanclub của người nổi tiếng.
Từ góc độ nghiên cứu Social Listening, nhắc đến Mái ấm gia đình Việt, có thể kể ra hai yếu tố nổi bật:
(1) Thông điệp nhân văn, tạo được sự kết nối tích cực với khán giả: Chương trình tập trung vào tính “vì cộng đồng” thay vì “tính giải trí” nên hầu như ít xuất hiện tranh cãi giữa những người xem. Mọi người đều tập trung vào hành trình vượt khó của các nhân vật. Nhờ vậy, Sentiment Score của chương trình luôn thuộc hàng top trong nhiều tháng liền.
(2) Mạng lưới truyền thông được khai thác hiệu quả: Chương trình có khoảng 15 kênh thuộc sở hữu của thương hiệu, thường xuyên đăng bài để duy trì tương tác. Thảo luận mỗi tháng của chương trình phần lớn đến từ những kênh này. Bên cạnh đó, các trang địa phương, các mạnh thường cũng như nghệ sĩ cũng đóng góp một phần thảo luận cho chương trình.
Sự kết hợp của hai yếu tố trên đã giúp "Mái ấm gia đình Việt" duy trì vị trí ổn định trong BXH BSI Top10 Shows hàng tháng - một thành tích đáng nể đối với một chương trình vì cộng đồng.
*Đây là bài viết được cập nhật và bổ sung dựa trên bài phân tích Anh Trai Say Hi vào tháng 8 của Buzzmetrics.
→ Đọc thêm: [BSI Case Study] Tháng 8 rực rỡ của chương trình Anh Trai Say Hi
Từ lúc bắt đầu cho tới lúc dừng phát sóng, chương trình Anh Trai Say Hi đã khẳng định được sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội khi giữ vững vị trí Top1 trên BXH BSI Top10 Shows 4 tháng liền. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng bắt đầu bước ra ánh sáng, được đông đảo các bạn trẻ đón nhận.
Anh Trai Say Hi đã tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội như thế nào? Hãy cùng Buzzmetrics nhìn lại hành trình vừa qua của Anh Trai Say Hi để hiểu thêm về cách chương trình “go viral” nhé.
Có thể chia hành trình thảo luận của Anh Trai Say Hi thành 4 giai đoạn, tương ứng với 4 tháng phát sóng.
(1) Tháng 6 - Giai đoạn khởi động: Chương trình mới phát sóng, lượng thảo luận vẫn chưa thực sự bứt phá. Bên cạnh đó, chương trình cũng vướng phải nhiều tranh cãi.
(2) Tháng 7 - Giai đoạn tăng tốc: Chương trình vượt mốc 1 triệu thảo luận với Catch Me If You Can là bài hát bản lề. Không chỉ đạt Top 1 Trending, Catch Me If You Can còn góp phần đẩy thảo luận cho chương trình.
(3) Tháng 8 - Giai đoạn đạt đỉnh: Lượng thảo luận đã lên gấp đôi và đạt đỉnh với số người thảo luận cũng tăng thêm 200 nghìn. Trong tháng này, chương trình có hàng loạt ca khúc lọt top trending của YouTube, có thể kể đến Regret, Ngáo Ngơ, I’m Thinking About You, Kim Phút Kim Giờ,...
(4) Tháng 9 - Giai đoạn duy trì: Lượng thảo luận được duy trì ở mức hơn 1.5 triệu, tập trung vào 2 sự kiện chính là đêm chung kết và concert.
Một điểm đáng ghi nhận ở Anh Trai Say Hi là việc giới thiệu nhiều nghệ sĩ trẻ đến với khán giả, đồng thời hâm nóng tên tuổi của những nghệ sĩ đã hoạt động lâu năm. Trong 4 tháng phát sóng, đã có tới 11 nghệ sĩ tham gia chương trình góp mặt vào BXH BSI Top10 Influencers. Trong đó, có tới 7 nghệ sĩ lần đầu góp mặt: Negav, Rhyder, Dương Domic, Quân AP, JSOL, Hùng Huỳnh, Pháp Kiều.
Theo ghi nhận của Buzzmetrics, các thảo luận có liên quan tới Anh Trai Say Hi (thảo luận chứa từ khóa của chương trình hoặc thảo luận xuất hiện trên các kênh truyền thông của chương trình) chiếm ít nhất 20% thảo luận của nghệ sĩ. Con số cụ thể không dưới 100 nghìn thảo luận cho từng nghệ sĩ. Trên thực tế, sức ảnh hưởng của Anh Trai Say Hi đối với các nghệ sĩ tham gia còn lớn hơn rất nhiều.
Nhân tố “trẻ” là thế mạnh của Anh Trai Say Hi. “Trẻ” ở đây không chỉ nói đến những người nổi tiếng tham gia chương trình (với độ tuổi trung bình là 22 - người lớn tuổi nhất sinh năm 1988 còn người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003). “Trẻ” ở đây còn là tệp người dùng cũng như nền tảng thảo luận chủ lực của chương trình.
Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn, Buzzmetrics sẽ đối chiếu Anh Trai Say Hi với 2 chương trình phổ biến khác là Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và 2 Ngày 1 Đêm. Qua đó, bạn đọc sẽ nắm được đặc trưng của từng chương trình.
Trong 2 tháng cao điểm của Anh Trai Say Hi, 46.7% người tham gia thảo luận nằm trong nhóm tuổi 18 - 24, biến Gen-Z trở thành nhóm người dùng chủ lực của chương trình. Đối với 2 Ngày 1 Đêm và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhóm người dùng thảo luận nổi bật lại trong độ tuổi 25 - 34 (đa phần Gen Y). Đặc biệt hơn, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai còn đón nhận nhóm người thảo luận trong độ tuổi 35 - 44 (đa phần là Gen X). Với sức trẻ từ Gen-Z, Anh Trai Say Hi đã tạo ra một lượng thảo luận rất lớn trên khắp các nền tảng.
Xét về nền tảng: Gần 2 triệu thảo luận về Anh Trai Say Hi đến từ TikTok, nhiều hơn bất kỳ nền tảng nào khác (chiếm 46.6%). So với Facebook và YouTube, TikTok là một nền tảng trẻ trung hơn cùng với thuật toán “push content” khuyến khích tương tác từ người dùng. Nhiều đoạn nhạc top trending của chương trình cũng được ưa chuộng trên TikTok. Ngoài ra, thế mạnh của chương trình còn nằm ở các đoạn Uncut và BTS, tỏ ra vô cùng phù hợp với nền tảng thiên về short-form content như TikTok.
Đối với Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và 2 Ngày 1 Đêm, Facebook mới là nền tảng chính (chiếm lần lượt 53.7% và 35.5%). Riêng Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, các bài viết thường là các bài phân tích chuyên sâu, các bài cảm nhận dài. Người dùng khi viết bài thường cho thấy sự đầu tư nghiên cứu về chương trình. Không chỉ vậy, chương trình cũng thường xuyên diễn ra những cuộc tranh luận vượt ra khỏi khuôn khổ âm nhạc, hướng đến các giá trị văn hóa, lịch sử.
Chỉ số tương tác trên YouTube của chương trình Anh Trai Say Hi rất ổn định.
(1) Xét về lượt xem: Đa số các tập đều có từ 7 đến 8 triệu lượt xem, thậm chí có tới 3 tập đạt 12 triệu lượt xem, không quá thua kém so với tập đầu tiên.
(2) Xét về lượt bình luận: Dường như người dùng không quá “mặn mà” với những tập đầu tiên. Tuy nhiên, từ tập 4 trở đi, lượt bình luận tiệm cận 30 nghìn ở nhiều tập. Đặc biệt tập 8 có hơn 32 nghìn bình luận.
(3) Xét về lượt thích: Tăng dần đều qua các tập, đạt đỉnh ở tập cuối với hơn 200 nghìn lượt thích.
Nếu xét trên lượt xem của các bài hát thì có tới 12 bài hát đạt hơn 10 triệu lượt xem, trong đó Ngáo Ngơ và Hào Quang là 2 bài hát đầu tiên cán mốc hơn 20 triệu lượt xem. Điều này cho thấy dấu ấn âm nhạc trẻ trung, cực kỳ phù hợp với thị hiếu giới trẻ của chương trình.