Cập Nhật Các Từ Lóng Mạng Xã Hội Nổi Bật Đầu Năm 2024
Thống kê của Buzzmetrics cho thấy, 2024 chỉ sắp qua hai tháng nhưng đã ghi nhận sự xuất hiện của các social slang mới. Bên cạnh đó, các social slang cũ vẫn còn duy trì được sức nóng trên mạng xã hội. Hãy cùng Buzzmetrics điểm qua top các social slang làm mưa làm gió đầu năm 2024.
Thống kê của Buzzmetrics cho thấy, 2024 chỉ sắp qua hai tháng nhưng đã ghi nhận sự xuất hiện của các social slang mới. Bên cạnh đó, các social slang cũ vẫn còn duy trì được sức nóng trên mạng xã hội. Hãy cùng Buzzmetrics điểm qua top các social slang làm mưa làm gió đầu năm 2024.
Báo cáo nhanh về social slang của Buzzmetrics sẽ cung cấp:
- Nguồn gốc hình thành của từng social slang
- Các nền tảng được thảo luận nổi bật
- Tổng lượng thảo luận và các lưu ý khi sử dụng social slang
#1 - Trôn Trôn Việt Nam
“Trôn Trôn Việt Nam” về cơ bản là một slang cũ được làm mới, nổi lên trong dịp Tết Nguyên Đán. Xét mặt câu chữ, “trôn” là Việt Hóa của “troll” - một social slang du nhập từ nước ngoài và tồn tại ở Việt Nam hơn một thập kỷ. Nghĩa gốc của từ “troll” là cố tình chơi khăm người khác trong môi trường Internet. Xét về mặt nội dung, “Trôn Trôn Việt Nam” lấy ý tưởng từ “Just For Laughs Gags” - một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng ở Mỹ. Phiên bản Việt Nam được các Tiktoker lan truyền theo một công thức sau:
(1) Tiktoker thực hiện một trò đùa khó đỡ với người khác
(2) Sau khi nạn nhân của trò đùa phản ứng lại, Tiktoker sẽ chỉ về hướng camera ẩn và nói “trôn Việt Nam”, ám chỉ những gì xảy ra trước đó chỉ là một tình huống giả định
Trong một số ngữ cảnh đời thường, “Trôn Trôn Việt Nam” lại trở thành câu chữa thẹn vui. Ví dụ: đầu năm đi làm trễ bị sếp “hỏi thăm”, đi học lại nhưng không quên làm bài tập Tết, vào quán mua đồ mà quên trả tiền...Các trang cộng đồng cũng tích cực sử dụng “Trôn Trôn Việt Nam” cho những câu chuyện hài hước, những trò “nghịch dại” của người nổi tiếng.
Tính từ đầu năm cho đến hiện tại, “Trôn Việt Nam” đã tạo ra khoảng 233,672 thảo luận, với TikTok là kênh lan tỏa chính (chiếm 66.36% tổng lượng thảo luận). “Trôn Việt Nam” cũng không phải trường hợp đầu tiên mà một cụm từ thông dụng được Việt hóa để trở thành social slang. Trước đó, mạng xã hội đã có:
- “Ét ô ét”, Việt hóa từ S.O.S
- “Quyền cha nà”, Việt hóa từ Gwenchana
- “Gét gô”, Việt hóa từ Let’s Go
- “Mai đẹt ti ni”, Việt hóa từ My destiny
#2 - Bảnh
Từ vựng mới trên mạng xã hội thường được sinh ra một cách rất bất ngờ. Đôi khi, tên riêng của một người có thể trở thành đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Trong khoảng thời gian gần đây, nhiều người dùng thay vì dùng “tôi”, “mình”, “tao”, “tớ” thì lại dùng “bảnh”, ví dụ: “Bình luận đi, bảnh sẽ nói điều bảnh thích ở bạn.”
Social slang lấy cảm hứng từ Khá Bảnh - từng là hiện tượng mạng xã hội vài năm về trước với những đoạn phim ghi lại cuộc sống “yang lake”. Trong các cuộc nói chuyện, Khá Bảnh thường đề cập bản thân ở ngôi thứ ba. Một vài năm sau đó, phong cách nói chuyện của Khá Bảnh lại trở thành tiền đề cho một cách xưng hô mới.
Tính đến hiện tại, “Bảnh” như một đại từ nhân xưng đã thu về khoảng 206,492 thảo luận, với Facebook là nền tảng thảo luận chính. Khoảng thời gian cận Tết là thời điểm người dùng bắt đầu dùng social slang “Bảnh”.
#3 - Ngoan Xinh Yêu
“Ngoan Xinh Yêu”, một social slang được lan tỏa mạnh mẽ nhờ TikTok, dùng để gọi người khác một cách thân thương. Social slang đã nổi lên từ cuối năm trước. “Ngoan Xinh Yêu” có thể được dùng trong các bối cảnh sau:
- Thương hiệu, online seller gọi khách hàng là “ngoan xinh yêu”
- Idol, KOLs, Influencers gọi người hâm mộ là “ngoan xinh yêu”
- Người thân, người yêu gọi nhau là “ngoan xinh yêu”
Tính từ đầu năm cho đến hiện tại, “ngoan xinh yêu” đã thu về gần 354,455 thảo luận trên mọi nền tảng, với TikTok là nền tảng lan tỏa chính (chiếm 56.6% tổng lượng thảo luận). “Ngoan xinh yêu” còn có một số biến thể khác như “ngoan yêu xinh”, “yêu ngoan xinh”,... (các biến thể được tạo ra dựa trên việc hoán đổi trật tự giữa “ngoan”, “xinh” và “yêu”).
#4 - Mấy Ní
Tương tự như “ngoan xinh yêu”, “mấy ní” là một social slang dùng để gọi ai đó một cách thân thương. Đối tượng thường là bạn bè thân thiết, đồng nghiệp hoặc những người nhỏ tuổi hơn. “Mấy ní” có thể thay cho “mấy cậu”, “mấy bạn”, “mấy người” để tạo sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách giữa người nói chuyện và đối phương, ví dụ:
- “Nghỉ Tết sao rồi mấy ní ơi?”
- “Tín hịu dũ trụ kìa mấy ní?”
- “Cuộc chiến với cái tủ lạnh sau Tết của mấy ní sao rồi?”
Tính từ đầu năm cho đến hiện tại, “mấy ní” đã tạo ra 626,093 thảo luận, với Facebook và TikTok là hai nền tảng thảo luận chính (chiếm hơn 90% tổng lượng thảo luận). Các thương hiệu đồ ăn nhanh như POPEYES, Texas, MCDONALD’S đang tích cực tận dụng social slang này.
#5 - Elm
“Elm” là một social slang đã nổi lên từ tháng 10/2023 nhưng vẫn duy trì được sức nóng trong 2 tháng đầu năm 2024 với 284,593 thảo luận. Social Slang bắt đầu nổi lên từ kênh TikTok pamyeuoi nhưng lại có sức lan tỏa mạnh trên Facebook. Hiện tại, Facebook đang là nền tảng thảo luận chính với 57.96% tổng lượng thảo luận.
“Elm”, được cách điệu từ “Em”, thường được dùng trong 2 bối cảnh sau: (1) gọi ai đó một cách châm chọc và (2), đại từ xưng hô ngôi thứ nhất. Một số bình luận hay caption có dùng “Elm”:
- “Bye anh Tết, mai elm đi học”
- “Hết Tết còn elm”
- “Elm makeup sương sương 29 Tết”
#6 - 49 gặp 500
“49 gặp 500” là một biến thể mới của “49 gặp 50”. Nếu “49 gặp 50” dùng để chỉ sự ngang ngửa, kẻ tám lạng người nửa cân thì “49 gặp 500” dùng để chỉ sự chênh lệch quá lớn, kẻ tám trăm lạng người nửa trăm cân. Một số ngữ cảnh vui mà “49 gặp 500” được sử dụng:
- Mẹ chồng đối đầu với nàng dâu
- Người yêu cũ nhắn tin với nhau
- Một người có hành động khó hiểu gặp một người khác có hành động khó hiểu hơn
Tính từ đầu năm, “49 gặp 500” đã thu về gần 30 nghìn thảo luận, với Facebook chiếm 85% tổng lượng thảo luận. Một phần thảo luận liên quan đến những tình huống đối đáp giữa các nhân vật trong phim được người dùng hoặc các trang cộng đồng dẫn lại. Social slang nổi lên cùng với khoảng thời gian phát sóng của phim Marry My Husband.
#7 - “Em gần 40 tuổi rồi”
Social slang vốn là lời thoại từ nhân vật Mai trong bộ phim cùng tên của Trấn Thành: “Em muốn yêu. Em gần 40 tuổi rồi.” Trong những ngày gần đây, nhiều trang cộng đồng và người dùng đã dùng social slang như một lời than thở về tình hình tài chính hoặc thể hiện mong muốn được đi chơi xa, ví dụ:
- “Em muốn được tăng lương, em gần 40 tuổi rồi.”
- “Em muốn GIÀU, em gần 40 tuổi rồi.”
- “Em gần 40 tuổi rồi, em muốn đi SAPA.”
Có thể thấy, social slang ban đầu xuất hiện trong ngữ cảnh liên quan đến Tình Cảm, nhưng qua sự “cải biên” của người dùng, social slang lại trở nên phổ biến hơn trong các ngữ cảnh khác, mà nổi bật nhất là Tài Chính.
Chỉ trong hai ngày (21 và 22), “Em gần 40 tuổi rồi” đã tạo ra gần 8 nghìn thảo luận và trở thành một trong các Top Social Slangs của 48 giờ qua. Aeon Mall và Con Cưng là các thương hiệu đã nhanh chóng tận dụng social slang cho bài đăng social media.
KẾT LUẬN:
Buzzmetrics hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn kịp thời cập nhật các từ lóng đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội trong đầu năm 2024. Liệu các thương hiệu đã ứng dụng các từ lóng nổi bật này vào social media marketing của mình?
Thông tin bài viết