[BSI Case Study] Mái ấm gia đình Việt - Góc ấm áp giữa chốn show truyền hình sôi động

![[BSI Case Study] Mái ấm gia đình Việt - Góc ấm áp giữa chốn show truyền hình sôi động](https://cdn.prod.website-files.com/621c2ce3508fa62375104476/681c706382b1c031b10fb011_(Blog)%20Thumb.webp)
Các chương trình tạo được sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội thường có tính giải trí cao, mang đến nhiều khoảnh khắc bùng nổ cho người xem. Tiêu biểu có thể kể đến hai chương trình Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai từng gây bão trong suốt mùa hè 2024, bên cạnh đó là những chương trình trẻ trung khác như 2 Ngày 1 Đêm, Đảo Thiên Đường, Bạn Muốn Hẹn Hò,...Trong bối cảnh đó, dù không quá bùng nổ về lượng thảo luận, Mái Ấm Gia Đình Việt vẫn đều đặn góp mặt trong BXH BSI Top10 Shows. Điều gì đã thu hút người xem đến với chương trình này?
1. Nội dung tích cực, tạo được sự đồng cảm với người dùng

Mái ấm gia đình Việt là một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trên kênh HTV từ năm 2020, với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ những gia đình khó khăn sau đại dịch, sau đó mở rộng ra các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. Trong 4 tháng liên tiếp (từ tháng 06/2024 đến tháng 09/2024), chương trình đạt chỉ số cảm xúc tuyệt đối (Sentiment Score = 1.0) - một thành tích mà nhiều chương trình khác khó lòng đạt được. Vậy, một chương trình có độ tích cực 100% sẽ được khán giả thảo luận như thế nào? Quan sát chi tiết hơn, Buzzmetrics nhận thấy khán giả có bốn hướng thảo luận chính:
(1) Chia sẻ trải nghiệm bản thân: Tập 94 kể lại câu chuyện của bé Hoàng Anh Quang có bố mất sớm, bị mẹ bỏ rơi, được bà nội chăm sóc. Em đã nâng niu chiếc cặp suốt 05 năm được bố mua tặng nhân dịp năm học mới như một cách để nhớ đến bố.
Từ câu chuyện của bé Hoàng Anh Quang, nhiều khán giả không khỏi xúc động mà chia sẻ những trải nghiệm tương tự. Một tài khoản TikTok có tên Thanh Huyền kể nguyên văn như sau: “Vc a trai mình li hôn c dâu mình viết đơn k nuôi đứa nào. 1 đứa lớp 6 1 đứa vừa lên lớp 3t. Hoá ra đi cty ngoài Bắc Ninh có bạn trai ngoài đó. Giờ cháu đầu đã học 13 cháu t2 học lớp 6. Cháu lớp 6.”
(2) Gửi lời động viên tới gia đình khó khăn: Những đứa trẻ tham gia chương trình phải đối diện với sóng gió cuộc đời từ rất sớm, nên cách các em trả lời phỏng vấn cũng phản ánh sự chững chạc, nhẫn nại.
Tập 95 của chương trình mang đến câu chuyện về em Hoàng Văn Mạnh (11 tuổi), người dân tộc Tày. Bố em mất sớm, em sống cùng chị Hoàng Thị Mây (1985) - người mẹ bị câm điếc bẩm sinh nên chỉ làm nông trên 1 sào ruộng của gia đình. Đứng trước ống kính truyền hình, em là người phiên dịch cho mẹ, nói bản thân đã lớn rồi, có thể chăm sóc cho mẹ. Khi biết được Mạnh nhịn ăn đi học vì sợ mẹ không đủ tiền nuôi mình, nhiều người dùng đã phải thốt lên: “Có những đứa bé hiểu chuyện đến đau lòng”.
(3) Bày tỏ khao khát ủng hộ hoàn cảnh khó khăn: Tập 89 kể lại câu chuyện của bé Trần Bảo Ngọc Duy đang học lớp 6 tại Yên Bái. Bố em bị tai nạn mất năm 2018, người mẹ bỏ đi 3 tháng sau đó. Em sống cùng với ông bà và ba đứa em nhỏ. Ông nội của bé Duy mỗi ngày phải bóc vác ngô với số tiền công ít ỏi là 25.000 đồng một tấn ngô để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Một tài khoản TikTok có tên Đông Hoàng đã bình luận: “Mình muốn xin địa chỉ chính xác đầu tháng 7 này mình có lên Yên Bái, mình qua gửi ông bà và các cháu chút quà.” Một tài khoản TikTok khác là Hàn Mai Anh thắc mắc: “muốn ủng hộ các bé một chút thì làm thế nào ạ ?”
Chuyện của Duy, của Quang, của Mạnh chỉ là ba trong số hàng trăm câu chuyện được kể trong Mái ấm gia đình Việt. Ở mỗi tập phim, ở mỗi câu chuyện lại thu hút hàng nghìn bình luận cảm thông, biết ơn, chia sẻ. Có thể nói, chương trình được bao phủ hoàn toàn bởi màu sắc tích cực và đồng cảm từ phía khán giả.
Bên cạnh đó, còn có các bình luận (4) Gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ, MC dẫn chương trình và những khách mời: Tôn Hoa Sen đã đồng hành cùng nhiều chương trình ý nghĩa như Cặp Lá Yêu Thương hay Vượt Lên Chính Mình. Do đó, không quá khó để bắt gặp những bình luận bày tỏ sự biết ơn tới tập đoàn Hoa Sen vì tài trợ cho Mái Ấm Gia Đình Việt. Những người nổi tiếng nhận lời tham gia chương trình như Đức Phúc - Dương Hoàng Yến (tập 95) hay Phương Anh Đào - Quốc Thuận (tập 87) cũng được khán giả dành tặng nhiều lời khen vì sự giản dị, đóng góp về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình.

2. Hệ thống kênh phong phú, duy trì thảo luận của chương trình

Theo quan sát của Buzzmetrics, chương trình duy trì lượng thảo luận tương đối ổn định theo từng tháng. Tháng 10/2024, chương trình lần đầu vượt mốc hơn 110 nghìn thảo luận với câu chuyện buồn về ba đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, khiến người anh phải nghỉ học để nhường cơ hội cho em gái nuôi ước mơ làm cô giáo. Dù thấp hơn so với các tháng còn lại nhưng tháng 05/2024 vẫn tạo ra được 31.438 thảo luận. Để làm được điều này, phải kể đến hệ thống gần 20 kênh truyền thông làm việc không ngừng nghỉ của nhà tổ chức chương trình.
Các kênh do thương hiệu sở hữu như Mái Ấm Gia Đình Việt, Nghệ Sỹ của Công Chúng, Dẫn Nguồn Hạnh Phúc,... đã tạo ra 522.727 thảo luận, chiếm 72% tổng thảo luận của chương trình trong khoảng thời gian nghiên cứu. Chủ yếu các bài đăng sẽ ghi lại những khoảnh khắc cảm động từ những người tham gia chương trình và thông báo thời gian biểu cho các tập phim sắp chiếu.
Lượng thảo luận còn lại chủ yếu đến từ:
(1) Các trang cộng đồng địa phương: Là các kênh không chỉ góp phần lan tỏa nội dung của thương hiệu mà còn phối hợp tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn để tham gia chương trình.
(2) Trang của các mạnh thường quân: Là những khán giả biết đến chương trình và trực tiếp hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Họ sẽ tự ghi hình lại hành trình ủng hộ và giúp đỡ.
(3) Trang liên quan tới người nổi tiếng: Bao gồm các trang của người nổi tiếng, trang đưa tin tức về người nổi tiếng và fanclub của người nổi tiếng.
KẾT LUẬN
Từ góc độ nghiên cứu Social Listening, nhắc đến Mái ấm gia đình Việt, có thể kể ra hai yếu tố nổi bật:
(1) Thông điệp nhân văn, tạo được sự kết nối tích cực với khán giả: Chương trình tập trung vào tính “vì cộng đồng” thay vì “tính giải trí” nên hầu như ít xuất hiện tranh cãi giữa những người xem. Mọi người đều tập trung vào hành trình vượt khó của các nhân vật. Nhờ vậy, Sentiment Score của chương trình luôn thuộc hàng top trong nhiều tháng liền.
(2) Mạng lưới truyền thông được khai thác hiệu quả: Chương trình có khoảng 15 kênh thuộc sở hữu của thương hiệu, thường xuyên đăng bài để duy trì tương tác. Thảo luận mỗi tháng của chương trình phần lớn đến từ những kênh này. Bên cạnh đó, các trang địa phương, các mạnh thường cũng như nghệ sĩ cũng đóng góp một phần thảo luận cho chương trình.
Sự kết hợp của hai yếu tố trên đã giúp "Mái ấm gia đình Việt" duy trì vị trí ổn định trong BXH BSI Top10 Shows hàng tháng - một thành tích đáng nể đối với một chương trình vì cộng đồng.