[BSI Case Study] Hành Trình Lan Tỏa Của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
Cùng với Anh Trai Say Hi, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai là một trong hai chương trình nổi bật nhất mùa Hè 2024 với độ phủ lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai lại chọn một hướng đi rất khác, với tệp khán giả và hành vi thảo luận tương đối mới mẻ. Hãy cùng Buzzmetrics nhìn lại hành trình tạo nét trên mạng xã hội của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai nhé!
1. Diễn biến thảo luận trên mạng xã hội về chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
Có thể chia xu hướng thảo luận của chương trình thành ba giai đoạn, tương ứng với cấu trúc của chương trình.
(1) Sân Khấu Ra Mắt - Khúc dạo đầu sôi nổi: Mặc dù mới phát sóng nhưng chương trình đã nhanh chóng đạt đỉnh thảo luận nhờ các tiết mục được đầu tư chỉn chu về mọi mặt, từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng, trang phục cho đến hòa âm phối khí, biên đạo, góc quay. Điểm nhấn của giai đoạn này chính là bộ tứ tiết mục HỎA CA - NƯỚC HOA - GIÁ NHƯ - LẶNG.
(2) Những Đêm Công Diễn - Đoạn giữa gập ghềnh: Chương trình đã có hai tuần hoãn phát sóng vì lý do khách quan: (1) lần đầu tiên vào cuối tháng Bảy khi diễn ra quốc tang và (2) lần thứ hai vào giữa tháng Chín khi bão lũ tàn phá miền Bắc. Tuy nhiên, lượng thảo luận của chương trình trong các tuần lại đều rất ổn định và không chênh lệch quá nhiều so với hai tuần đầu tiên. Điểm nhấn của giai đoạn này chính là Công Diễn 1 với tiết mục Trống Cơm. Đây cũng là đêm Công Diễn được thảo luận nhiều nhất.
(3) Chung Kết - Hạ màn: Trong giai đoạn này, thảo luận về chương trình không hề cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt mà còn tăng cao nhờ đêm concert thành công rực rỡ. Đặc biệt, bài hát Mẹ Yêu Con trong đêm Chung Kết được cộng đồng mạng dành nhiều lời khen.
2. Hiệu ứng tích cực của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai trong việc tạo thảo luận của các nghệ sĩ
Xét trên 10 anh tài được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội: Điểm đáng chú ý ở đây là lượng thảo luận trong chương trình giữa các anh tài này không có quá nhiều chênh lệch (dao động từ 300 tới 400 nghìn thảo luận). Trừ SOOBIN và Tuấn Hưng, lượng thảo luận trong chương trình của từng anh tài đều lớn hơn lượng thảo luận ngoài chương trình.
Với ca sĩ Tuấn Hưng, phần lớn thảo luận ngoài chương trình đến từ Liveshow Anh Em Kết Đoàn có sự góp mặt của ca sĩ Duy Mạnh. Đây là liveshow từ thiện ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bão lũ.
Với ca sĩ SOOBIN, hình ảnh gảy đàn bầu trong bài Trống Cơm đã “thoát vòng” và được đón nhận bởi những khán giả ngoài chương trình. Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng phát hành MV Tiến Tới Ước Mơ, tham gia đêm nhạc Gieo Mầm Thiện Tâm và một số sự kiện âm nhạc khác. Đây cũng là anh tài duy nhất vượt mốc 1 triệu thảo luận trong các tháng phát sóng của chương trình.
3. Một số đặc sắc trong thảo luận về chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai là chương trình có nhiều hành vi thảo luận tương đối thú vị trên mạng xã hội. Khán giả tự nhận là “Gai Con” và gọi chương trình là “Gai Mẹ”, phản ánh mối quan hệ gần gũi giữa khán giả với chương trình. Ngoài ra, “gieo hạt” hay “truyền thông bẩn” cũng trở thành các từ khóa mang nét nghĩa tích cực đối với khán giả chương trình. Sau đây là một số đặc sắc trong thảo luận của chương trình có ảnh hưởng tích cực tới thương hiệu.
3.1. Nhộn nhịp hoạt động “trả job” cho nhãn hàng
““Trả job” ở đây là trả quyền lợi cho nhà tài trợ - một hoạt động quen thuộc trong lĩnh vực marketing và quảng cáo. Tuy nhiên, khán giả chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã nâng cấp hoạt động “trả job” với những đoạn văn mẫu có tâm về nhà tài trợ:
- “Rồ ma nồ, tắm là có bồ”
- “Mối tình đầu của tôi là Techcombank. Nó có thể dựng thành phim và viết thành cuốn tiểu thuyết màu đo đỏ cháy rực rỡ như Techcombank sinh lời tự động mỗi ngày”
- “Tôi yêu Aquafina, cơ thể tôi 70% là Aquafina.”
- “Có Jollibee thì phải có Kay, vì sốt kay của Jollibee ăn siu cuốn đoáaaaaaa”
- …
Đã có ít nhất 15 nhãn hàng đã được “trả job” với hơn 1 nghìn lượt nhắc đến. Trong đó, các từ khóa liên quan đến ngân hàng Techcombank đã tạo ra hơn 97 nghìn lượt nhắc đến. Khán giả gọi Techcombank bằng những cái tên gần gũi như “Kim chủ”, “Sàn đỏ”, “Nhà Tech”.
Hoạt động “trả job” phần nào cho thấy: Sự yêu thích của khán giả dành cho một chương trình hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành những lợi ích cụ thể cho thương hiệu, bao gồm mức độ lan tỏa trên mạng xã hội.
3.2. “Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” thoát vòng
“Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” vốn dĩ là câu nói của NSND Tự Long. Sau đó, câu nói được cộng đồng mạng dùng như một lời khen tặng, thay cho “giỏi quá” hay “xuất sắc quá”. Social slang này có 3 điểm thú vị:
(1) Từ lóng “gối đầu giường” của thế hệ Millennials: 49.81% người dùng sử dụng social slang là Gen-Y, nhiều nhất trong các nhóm người dùng. Vị trí thứ hai thuộc nhóm Gen Z chiếm khoảng 38.24%.
(2) Gừng càng già càng “hot”: Với đa số các từ lóng, đỉnh thảo luận cao nhất thường xuất hiện sau khoảng một đến hai tuần, sau đó hạ nhiệt dần dần. “Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” là một trường hợp khác. Nếu như mùa Hè, có 1.1 triệu lượt nhắc đến social slang thì chỉ trong tháng 10, social slang đã có gần hơn 800 nghìn lượt nhắc đến.
(3) Social slang đã xuất hiện trong bài đăng trên fanpage của ít nhất 327 thương hiệu từ 36 lĩnh vực. Trong đó, 5 thương hiệu tạo được nhiều thảo luận nhất là Highlands Coffee (F&B), Garena Liên Quân Mobile (gaming), Techcombank Việt Nam (ngân hàng). Siêu thị WinMart (Bán lẻ), Shopee (TMĐT).
3.3. Người dùng “lâu đời”, nền tảng “lâu đời”
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai thường được khán giả đánh giá cao vì sự đầu tư công phu, sự lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống cũng như “tính kể chuyện” cho nhiều tiết mục. Do đó, nhiều bài viết về Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai là những bài phân tích dài hơi. Ví dụ như phát biểu của NSND Tự Long cũng tạo ra những cuộc tranh luận thú vị về văn hóa. Với dạng bài nhiều chữ, Facebook vẫn là nền tảng phổ biến hơn cả (trong bối cảnh những nền tảng khác có giới hạn dung lượng chữ trong mỗi bài đăng, tập trung vào nội dung ngắn).
Bên cạnh đó, tệp người dùng thảo luận về chương trình cũng “già” hơn các chương trình khác trong cùng khoảng thời gian phát sóng. Quá nửa người tham gia thảo luận rơi vào nhóm tuổi 25 - 34, chưa kể nhóm tuổi 35 - 44 cũng chiếm gần 17% lượng người thảo luận. Nhóm người dùng này có tài chính ổn định và tương đối chịu chi. Chính vì vậy, vào đầu tháng 11, Techcombank đã chuyển từ vai trò Nhà Tài Trợ lên Đồng Tổ Chức, mở ra hàng loạt chương trình săn vé concert để có thể kết nối tốt hơn với tệp người dùng chịu chi của chương trình.
4. Phần Đọc Thêm: Các chỉ số của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai trên YouTube
Nhìn chung, 2 tập mở màn vẫn là 2 tập thành công nhất của chương trình khi xét về lượt tương tác trên YouTube. Về sau, tuy lượt xem có giảm dần nhưng vẫn đảm bảo tối thiểu 2.4 triệu lượt xem mỗi tập, cho thấy sức hot của chương trình.
Trống Cơm có thể xem là bài hát biểu tượng của chương trình, không chỉ vì mức độ phổ biến nhưng còn vì những thông điệp tốt đẹp mà những nghệ sĩ muốn truyền tải. Những bài hát rất lâu đời như Mẹ Yêu Con (sáng tác năm 1956) hay Chiếc Khăn Piêu (sáng tác năm 1956) cũng lần lượt thu về 5.9 triệu lượt xem và 3 triệu lượt xem.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, nếu xét về thảo luận mạng xã hội, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực:
(1) Tăng thảo luận cho nghệ sĩ, qua đó góp phần hâm nóng tên tuổi của nghệ sĩ
(2) Xây dựng một tệp khán giả chịu chi, nhiệt tình, không chỉ đẩy thảo luận cho thương hiệu trong vai trò nhà tài trợ nhưng còn có thể trở thành khách hàng tiềm năng của nhà tài trợ
(3) Bản thân chương trình được khán giả đón nhận thông qua các bài hát, thể hiện khả năng tạo “trend” với những inside joke thoát vòng.
→ Xem thêm: BSI Top10: Bảng xếp hạng social media tháng 10/2024
→ Xem thêm: [BSI Case Study] Mùa hè đầy nắng của chương trình Anh Trai Say Hi